Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), trong tháng 10/2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại sau 3 tháng liên tiếp sụt giảm, với gần 14.200 doanh nghiệp.
Lũy kế 10 tháng, cả nước có 136.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỷ đồng, với số lượng lao động đăng ký gần 815.600 lao động, tăng 1,9% về số doanh nghiệp, tăng 4,1% về vốn đăng ký và giảm 8,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 10/2024, cả nước có hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. (Ảnh: ST)
Trong khi đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 10 tháng năm 2024 đạt hơn 61.100 doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có hơn 6.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Như vậy, tính đến cuối tháng 10/2024, cả nước có hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân một tháng có hơn 20.200 gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến năm 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Điều này đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Theo khảo sát của JETRO (Nhật Bản), trong hai năm 2024 – 2025, hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh do nhận định Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN.
Để hoàn thành mục tiêu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, GSO kiến nghị trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển đất nước.
Thứ nhất, Việt Nam cân tập trung đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư theo hướng tận dụng cơ hội từ sự mở rộng của khối BRICS để tăng cường quan hệ kinh tế với những thành viên mới như Ả Rập Xê Út và UAE, đồng thời duy trì và phát triển quan hệ với các đối tác truyền thống.
Ưu tiên đẩy mạnh cải cách cơ cấu và nâng cao năng suất lao động thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước để tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các ngành kinh tế, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế”, báo cáo của GSO nêu.
Định Trần