Vụ việc của HAGL, FIFA, Martin Dzilah đã diễn ra thế nào?
Tính đến khi bài viết này được đăng tải, vụ việc HAGL tranh cãi chuyện tiền thanh lý hợp đồng với Martin Dzilah vẫn… chưa có hồi kết. Tình tiết mới xung quanh vụ việc đâu đó sẽ phát sinh. Nhưng câu chuyện để đi đến giải quyết trọn vẹn, rạch ròi kẻ đúng, người sai thì vẫn còn để ngỏ.
CLB HAGL và Dzilah đều cương quyết mình đúng, đối phương sai.
Ngược dòng thời gian trở lại khởi điểm trước khi vụ kiện tụng diễn ra. Tháng 10/2023, tiền đạo Martin Dzilah gia nhập CLB HAGL, thay thế cho Washington Brandao. Nhưng chỉ đến vòng đấu thứ 3 của mùa giải, cầu thủ này không may bị chấn thương dây chằng gối. CLB HAGL đã tham khảo ý kiến bác sỹ. Biết rằng Dzilah không thể kịp hồi phục để thi đấu phần còn lại của mùa giải, đội bóng phố Núi đã thuyết phục ngoại binh này chia tay CLB. Đổi lại, HAGL sẽ chi trả toàn bộ tiền lương như cam kết trong hợp đồng với Dzilah. Con số này là 20.000 USD, khoảng 500 triệu đồng.
Mọi chuyện tưởng chừng êm thấm, như biết bao vụ thanh lý hợp đồng sớm với các ngoại binh. Ngờ đâu, câu chuyện ngày càng phức tạp, kéo đến rắc rối chưa thể giải quyết xong tới hiện tại. Sau một thời gian không nhận được 20.000 USD như phía HAGL cam kết, Martin Dzilah đã nhờ một người đại diện FIFA kiện HAGL.
Ngày 28/6/2024, FIFA có lần đầu tiên yêu cầu các bên liên quan cung cấp tài liệu chứng minh thông qua cổng thông tin pháp lý trên website của tổ chức này trước ngày 18/7 để giải quyết tranh chấp. Cũng trong thời gian này, CLB HAGL không thể cung cấp giấy tờ đúng như quy định từ phía FIFA. Đây cũng là nguồn cơn khiến tổ chức bóng đá hàng đầu thế giới xử thua kiện HAGL hôm 30/8. Thậm chí, FIFA yêu cầu CLB phố Núi phải thanh toán khoản tiền lên tới… 29.000 USD (bao gồm 20.000 USD tiền lương và 9.000 lãi suất) cho ngoại binh người Ghana.
HAGL không chấp thuận án phạt từ FIFA. Đúng 1 ngày sau khi FIFA đưa ra án phạt, HAGL đã nhờ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hỗ trợ "kháng cáo" với FIFA. Đội bóng khẳng định đã thanh toán số tiền mặt đền bù 20.000 USD (gần 500 triệu đồng) cho Dzilah. Thậm chí, CLB này còn công bố bằng chứng là chữ ký viết tay "I receive 20,000 USD" ("Tôi đã nhận 20.000 USD" - PV) của Dzilah kèm hình ảnh làm việc tại văn phòng đội bóng. Phía Dzilah khẳng định chuyện "ký trước, nhận sau" nhưng sau đó không nhận được tiền. Tiếp đó, Công an tỉnh Gia Lai gửi giấy triệu tập (lần thứ nhất) cho Martin Dzilah lên làm việc, xoay quanh đơn tố cáo ngoại binh này của CLB HAGL.
Đây mới là phiên thứ nhất của vụ tranh cãi. Bởi 45 ngày sau khi đưa ra án phạt nhưng phía HAGL không giải quyết số tiền 29.000 USD bồi thường cho Martin Dzilah, FIFA đưa ra án phạt lần thứ 2. Cụ thể, tổ chức bóng đá cao nhất thế giới ban hành lệnh cấm chuyển nhượng vô thời hạn đối với CLB phố Núi. “Thẻ đỏ” cho HAGL chỉ được FIFA gỡ cho đến chừng nào CLB này thành toán đúng con số 29.000 USD cho ngoại binh Ghana.
Nhiều câu lạc bộ V.League từng điêu đứng vì phải bồi thường cho ngoại binh.
Nhưng một lần nữa, HAGL tỏ ra kiên định. CLB này một lần nữa kháng cáo và thông báo rộng rãi đến toàn thể người hâm mộ về quyết định của mình.
“Vào lúc 15 giờ ngày 21/3 tại văn phòng CLB HAGL số 15 Trường Chinh, TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai) giữa cầu thủ Martin Dzilah và CLB HAGL đã ký Biên bản thanh lý Hợp đồng Lao động và CLB HAGL đã trả cho cầu thủ Martin Dzilah số tiền 20.000 USD theo thỏa thuận. Cầu thủ Martin Dzilah ký xác nhận đã nhận đủ tiền. Bất ngờ vào ngày 30/8/2024 CLB HAGL nhận được quyết định của FIFA yêu cầu CLB HAGL phải trả cho cầu thủ Martin Dzilah số tiền 29.000 USD căn cứ vào đơn khiếu nại của cầu thủ Martin Dzilah: "CLB HAGL đã thanh lý hợp đồng với cầu thủ Martin Dzilah vì lý do không chính đáng khi ép buộc cầu thủ ký vào Biên bản thanh lý Hợp đồng lao động và ký vào giấy nhận đủ tiền nhưng không thanh toán tiền vào tài khoản cho cầu thủ".
“Trước sự việc này chúng tôi đã có văn bản kháng cáo gửi cho FIFA để biết rõ bản chất của sự việc. Bên cạnh đó CLB HAGL đã có văn bản gửi đến cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam nhờ can thiệp giải quyết nhằm làm sáng tỏ sự việc”, phía HAGL cương quyết.
Về phần mình, Martin Dzilah tranh thủ đi đá phủi tại một đội bóng phong trào của Việt Nam. Đến nay, anh tiếp tục phải trình diện Công an tỉnh Gia Lai để làm việc liên quan đến đơn tố cáo của đội bóng phố Núi…
Bi hài vì Tây
… Đó cũng là diễn biến cho đến hiện tại của vụ việc tranh cãi giữa HAGL và Martin Dzilah. Trong bối cảnh chờ đợi hồi kết đúng, sai, chúng ta có thể lật giở lại những vụ việc khá tương đồng nhưng phần thua nghiêng nhiều về các CLB V.League.
VFF cũng từng phải nộp “học phí” vì sai hợp đồng với HLV Letard.
Trước HAGL, CLB Khánh Hòa là đội bóng gần nhất của Việt Nam bị FIFA “sờ gáy”. Tổ chức này cũng ra án phạt tương tự như cách xử lý với HAGL. Đó là án cấm chuyển nhượng và chỉ gỡ bỏ nếu Khánh Hòa thanh toán đầy đủ số tiền chậm chi lên đến 26.000 USD cho tiền đạo Mamadou Guirassy. Theo lý giải từ đội Khánh Hòa, việc tài khoản CLB bị "đóng băng" (do khoản nợ từ nhà tài trợ cũ) khiến việc chuyển khoản tiền đền bù cho Guirassy trở nên bất khả thi. Vụ việc này chỉ được tháo gỡ khi đội bóng phố biển với sự hỗ trợ của một nhà tài trợ, CLB này mới thoát được lệnh cấm treo trên hệ thống của FIFA.
Một trường hợp khác đến từ CLB Đà Nẵng. Năm 2023, đội bóng này đã phải bồi thường tới… 73.000 USD cho CLB Banik Prievidza của Slovakia, sau phán quyết nặng tay đến từ FIFA và Tòa án trọng tài thể thao (CAS). Vụ việc đến từ chuyện CLB này ký hợp đồng với cầu thủ Phạm Thanh Tiệp (sinh 1996) vào năm 2019, sau khi thử việc thành công. Bản hợp đồng có thời hạn 2 năm, song do không phù hợp với lối chơi nên Thanh Tiệp chủ động thanh lý hợp đồng sớm, hoàn trả một năm phí lót tay.
Rắc rối xảy ra khi CLB này bị CLB Banik Prievidza (Slovakia) kiện lên FIFA, với lý do vi phạm quy định về chuyển nhượng cầu thủ dưới trẻ. Cụ thể, FIFA quy định, một đội bóng nếu ký hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ dưới 23 tuổi sẽ phải trả phí cho trung tâm đào tạo cầu thủ này. CLB Banik Prievidza đào tạo Thanh Tiệp từ năm 12 tuổi nên theo quy định sẽ được thụ hưởng tiền đào tạo trẻ. Đội bóng của Slovakia cũng đã 2 lần gửi công văn đề nghị Đà Nẵng trả 60.000 USD song không nhận được phản hồi nên đã kiện lên FIFA. Chỉ vì chủ quan, không tìm hiểu rõ các quy định và kiểm chứng thông tin cầu thủ, Đà Nẵng đã phải nộp phạt 73.000 USD dù chỉ sử dụng cầu thủ này ở 2 trận đấu chính thức mùa 2019 với tổng thời gian thi đấu 112 phút.
CLB Thanh Hóa cũng điêu đứng với những án phạt từ FIFA. Đầu tháng 2/2021, HLV Fabio Lopez đã tuyên bố thắng kiện Thanh Hóa, và nhận đền bù 200 nghìn USD! HLV Lopez tới Việt Nam theo lời mời của bầu Đệ của Thanh Hóa thời điểm đó với bản hợp đồng hai năm (từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2021 với mức lương khoảng 11 nghìn USD/tháng). Tuy nhiên, sau trận thua Quảng Nam 1-2 ở vòng 3 V.League 2020 hôm 6/6/2020 HLV Fabio Lopez đã bị sa thải.
Đột ngột mất việc mà không được trả đồng nào, HLV Lopez làm việc với Công ty luật SILA ở châu Âu. Ngày 2/2/2021, FIFA ra phán quyết yêu cầu Thanh Hóa sẽ phải trả cho Lopez cùng trợ lý đồng hương khoảng 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng thời điểm đó).
Cũng trong tháng 2/2021, Thanh Hóa bị FIFA xử thua kiện ngoại binh người Senegal Idrissa Sega Cisse và phải đền bù 58.420 USD cho cầu thủ này cộng với 19.750 USD án phí cho Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS).
Trước đó, tháng 7/2019, CLB bóng đá Hải Phòng đã thua kiện chân sút người Jamaica Errol Stevens khi FIFA ra phán quyết phải đền bù cho Stevens số tiền 200 nghìn USD vì đã vi phạm hợp đồng ký kết giữa 2 bên.
13 năm trước, Navibank Sài Gòn cũng từng phải đền bù 80.000 USD cho chân sút người Mexico Francois Edene hay Sài Gòn Xuân Thành phải trả cho Huỳnh Kesley 20.000 năm 2013.
20 năm trước, VFF cũng chịu một án phạt cực lớn từ FIFA. Đó là con số lên tới 197.800 USD đền bù cho HLV Letard, từ án phạt của CAS, CAS vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do không chính đáng!
Một câu lạc bộ V.League từng thắng kiện!
Thú vị thay, đó chính là HAGL. 4 năm trước, đội bóng này từng vướng vào một vụ kiện cũng liên quan tới ngoại binh. Theo đó, Roberto Dias, cầu thủ đang chơi tại Saudi Pro League hiện tại đã kiện HAGL lên FIFA.
Nguồn cơn đến từ việc đội bóng phố Núi thông qua một môi giới có tên là “Tran” đã mời Dias sang thi đấu. Từ “bánh vẽ” đãi ngộ đến từ “Tran”, Dias bỏ đội chủ quản Senica để tới Việt Nam. Nhưng sau cùng, anh không đến được HAGL vì môi giới.. bùng “kèo”. Dias sau đó kiện HAGL và bị xử thua do "Tran" không phải người đại diện hợp pháp của HAGL và cũng không phải là người môi giới hợp pháp do FIFA công nhận.
Dias sau đó thất nghiệp gần một năm và phải khó khăn lắm mới tìm được đội bóng mới. Cầu thủ này nói với báo giới: “Đến Việt Nam rồi tôi mới biết bị gã môi giới lừa bằng hợp đồng giả. Dù rất bực và xóa hết ký ức về chuyện này nhưng tôi vẫn yêu đất nước các bạn". Sau tất cả, Dias đang khoác áo CLB Al-Kholood ở giải Saudi Pro League.
An Khánh