Và trên thực tế lãng phí đã và đang trở thành một “lực cản” kéo lùi sự phát triển. Tuy nó không gây hệ lụy lớn như tham nhũng nhưng muốn đất nước phát triển, phải quyết liệt chống lãng phí như chống tham nhũng.
Cụ thể hóa chủ trương về công tác phòng, chống lãng phí
Sáng 30-10, trong phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban chỉ đạo đã nêu rõ, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng chống lãng phí.
Từ chủ trương này, Đảng ta đã “tuyên chiến” với phòng chống lãng phí, quyết liệt như phòng chống tham nhũng tiêu cực. Nhiệm vụ phòng chống lãng phí trong thời gian tới phải bám sát và phục vụ 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước là tăng tốc bứt phá để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra và chuẩn bị thật tốt tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều bài viết về phòng chống lãng phí (ảnh Báo Nhân dân)
Tại cuộc họp Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu thời gian tới các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng vừa phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống lãng phí; gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí, xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay công tác trọng tâm đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Về tổng thể đấu tranh với lãng phí vẫn phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp lên cao để thực hành tiết kiệm chống lãng phí như xây dựng văn hóa chống lãng phí trong toàn bộ xã hội, chống lãng phí trở thành chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương và cấp bách”. Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư là sự cụ thể hóa tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời kỳ đất nước đang bước vào “kỷ nguyên mới”.
Dù không gây ra hậu quả lớn như tham nhũng, nhưng lãng phí đã và đang kéo lùi sự phát triển của đất nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là quy luật đi lên của một đất nước. Theo Bác, không phải nước nghèo mới thực hành tiết kiệm mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Người chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ” (Hồ Chí Minh toàn tập – NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.H2011.tr.127).
Lãng phí phổ biến dưới nhiều hình thức
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận về phòng chống lãng phí. Ngày 21-8-2006, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ngày 21-12- 2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ngày 25-12-2023, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm năm 2005 và năm 2013.
Hai bệnh viện đầu tư nghìn tỷ nhưng vẫn để lãng phí chưa đi vào hoạt động
Những năm qua, việc thực hiện chủ trương của Đảng về thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã tạo được chuyển biến tích cực; chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, khắc phục tồn tại, hạn chế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ Đảng viên, nhất là người đứng đầu nghiêm túc quán triệt, nâng cao nhận thức trách nhiệm góp phần quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia chủ trương của Đảng.
Tuy nhiên lãng phí còn diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng thức khác nhau đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển chung của đất nước. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước; tạo ra rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển đất nước.
Tình trạng chậm đưa vào sử dụng tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp gây hiệu thất thoát lãng phí lớn. Có thể “điểm danh” một số dự án như dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam; dự án giải quyết ngập do thủy triều khu vực TP.HCM; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối vận hành. Tình trạng quản lý công sở, đất đai khu vực công của các Bộ, ngành Trung ương vừa lãng phí, vừa thiếu quản lý chặt chẽ, gây nhiều phức tạp ở các thành phố, đô thị.
Việc quản lý đất đai của các nông, lâm trường ở khu vực trung du, miền núi còn buông lỏng, việc thất thoát hàng nghìn héc ta rừng Nhà nước không nắm được, để xảy ra tình trạng cho thuê, chuyển trái phép quyền sử dụng vào tay cá nhân, hộ gia đình không xử lý được. Hàng nghìn khu nhà tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp đã xây dựng xong trên địa bàn cả nước nhưng do vướng cơ chế chưa đưa vào sử dụng được. Những người nghèo, người có thu nhập thấp, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang cấp thiết cần nhu cầu nhà ở thì không được giải quyết. Trong khi đó hàng trăm nghìn căn hộ đã xây dựng xong thì vẫn chờ, vẫn dãi nắng dầm mưa thật xót xa.
Nhà nước còn đang để lãng phí lớn nguồn lực sức lao động và nguồn lực trí tuệ cao của các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, trí thức ở cả ở trong và ngoài nước. Do “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách nên hàng năm Nhà nước đào tạo rất nhiều tri thức trẻ (sinh viên tốt nghiệp Đại học, các Thạc sỹ, Tiến sỹ được đào tạo cơ bản tại các trường Đại học, viện nghiên cứu có danh tiếng ở trong và ngoài nước) nhưng để họ lựa chọn con đường cống hiến cho đất nước rất khó khăn. Tình trạng “chảy máu chất xám” vào các Tập đoàn, Công ty tư nhân khá nhiều. Các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực ở nước ngoài cũng ít có cơ hội về nước cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước nhất là yêu cầu cấp thiết cho “kỷ nguyên chuyển mình” của dân tộc hiện nay.
Tránh lãng phí nguồn lực, đưa đất nước phát triển
Tình trạng lãng phí nêu trên có nguyên nhân các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ Đảng viên thực thi các Nghị quyết, Chỉ thị văn bản pháp luật về phòng chống lãng phí trên thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như một hệ lụy kéo theo. Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; chưa tạo được dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội không được quan tâm đúng mức.
Kiên quyết đấu tranh với cuộc chiến “chống giặc nội xâm”
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đây là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp thì công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp về phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, Tổng Bí thư đã chỉ rõ một số giải pháp trọng tâm sau đây.
Đổi rác thải lấy cây xanh để tránh lãng phí tài nguyên, bảo vệ môi trường
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng chống lãng phí là cuộc chiến “chống giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp, có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”. Tập trung tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức trách nhiệm trong cán bộ, Đảng viên và người lao động; trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm chống lãng phí phải thể hiện được rõ qua những cam kết kế hoạch của lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để. Xây dựng triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Kịp thời biểu dương, khen thưởng nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế phòng chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, Đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể và nhân dân. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguồn nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo cho nhân dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là đổi mới mạnh mẽ công tác hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, chống bệnh quan liêu. Sử dụng tài nguyên nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hóa quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát lãng phí lớn.
Thứ tư xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành “tự giác”, “tự nguyện”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tạo thói quen quý trọng tài sản Nhà nước, công sức của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nhấn mạnh: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm chống lãng phí bảo vệ của công” (Hồ Chí Minh toàn tập, sđd tr.110).
Với tinh thần mới, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm thay đổi, sửa chữa cách làm để chống lãng phí, thời gian tới yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội ở Trung ương và các địa phương cần nhận thức đầy đủ, có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, đảm bảo thúc đẩy đưa các tài nguyên, nguồn vốn, tiềm năng trí tuệ con người trở thành động lực và nguồn lực phát triển, đưa đất nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới.
Ngọc Sơn - Yên Hưng