Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng (sữa, thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử. Các sàn này dù là trung gian thu phí nhưng thường né tránh trách nhiệm khi sự cố xảy ra, gây thiệt hại nặng nề cho người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính và làm thất thu ngân sách nhà nước.
Nhiều người cho rằng cơ chế doanh nghiệp tự công bố chất lượng là một "lỗ hổng pháp lý". Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không nằm ở việc thiếu quy định pháp luật, mà ở khâu thực thi yếu kém. Công tác thanh tra, hậu kiểm hiện nay còn quá hình thức, mang tính "khua chiêng gõ mõ" do phải thông báo trước, khiến các cơ sở dễ dàng đối phó và vi phạm chủ yếu chỉ dừng ở xử phạt giấy tờ hành chính. Việc quay lại cơ chế tiền kiểm (xin - cho giấy phép) như trước đây bị cho là đi ngược lại tinh thần cải cách thủ tục.
Một thực tế đáng báo động là hầu hết các vụ việc lớn đều do người tiêu dùng hoặc lực lượng công an chủ động phát hiện, chứ không phải từ các cơ quan quản lý chuyên ngành. Điều này cho thấy hành lang pháp lý đã tương đối đầy đủ, nhưng việc thực thi lại không hiệu quả.
Để giải quyết triệt để, cần một cuộc cách mạng trong tư duy hậu kiểm. Thay vì các đợt thanh tra theo kế hoạch, cơ quan quản lý cần hành động như một người tiêu dùng: chủ động, thường xuyên và bí mật mua các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm, đối chiếu với tiêu chuẩn đã công bố. Giải pháp này cần sự liêm chính và phải được thực hiện liên tục.
Song song đó, cần khuyến khích cộng đồng cùng tham gia giám sát, đồng thời siết chặt trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử bằng chế tài nghiêm khắc. Cần ràng buộc trách nhiệm của người bán thông qua định danh VNeID và xử lý nghiêm cả những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm vi phạm.
Trần Văn Trãi