Muốn giải quyết xung đột Nga-Ukraine trong 50 ngày, ông Trump quên điều quan trọng

Muốn giải quyết xung đột Nga-Ukraine trong 50 ngày, ông Trump quên điều quan trọng
8 giờ trướcBài gốc
Dục tốc bất đạt
Việc ông Donald Trump chuyển hướng ủng hộ Ukraine và gây sức ép lên Nga đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý, không chỉ trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, mà còn trong ván cờ ngoại giao xoay quanh cuộc chiến Ukraine. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Trump không giấu được sự bực dọc khi kể lại các cuộc điện đàm với ông Vladimir Putin – những khoảnh khắc mà ông hy vọng sẽ là bước khởi đầu cho một lộ trình hòa bình, nhưng cuối cùng lại bị phá hỏng bởi những hành động quân sự bất ngờ ngay sau đó.
Song, ông Trump không lập tức rút lui khỏi vai trò trung gian hòa giải như từng tuyên bố trước đó, mà là nâng mức độ can dự vào cuộc xung đột hiện thời. Gần đây, Nhà Trắng đã lựa chọn cách tiếp cận mạnh mẽ hơn: vũ trang gián tiếp cho Ukraine thông qua các đồng minh châu Âu và đặt ra thời hạn cụ thể là 50 ngày để buộc Nga trở lại bàn đàm phán. Đó là hình thức ngoại giao kiểu “cây gậy và củ cà rốt” vốn thường thấy trong chiến lược ngoại giao của nhiều đời Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, dục tốc thì bất đạt. Nếu thực sự nghiêm túc trong mong muốn chấm dứt xung đột, ông Trump phải nhận một thực tế rằng: hòa bình không đến từ một phía và càng không thể đến trong một khoảng thời gian ngắn như ông hi vọng, dù là 24 giờ hay 50 ngày. Những cuộc xung đột quốc tế không thể được giải quyết bằng vài cuộc trao đổi giữa nguyên thủ quốc gia. Lịch sử ngoại giao hiện đại, từ Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam đến Hiệp định Dayton kết thúc nội chiến ở Balkan, đã chứng minh rõ ràng rằng: chỉ một tiến trình đàm phán kiên trì, bài bản, được dẫn dắt bởi các nhà thương thuyết lão luyện mới có thể đem lại hòa bình bền vững.
Ông Trump chưa từng kiên nhẫn với các tiến trình đa phương hay đàm phán theo kiểu “truyền thống” như vậy. Nhưng lịch sử không đứng về phía những giải pháp chớp nhoáng. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã bay qua lại hàng trăm lần giữa Trung Đông để đạt được từng bước nhỏ của hòa bình. Hiệp định Thứ Sáu Tuần Thánh ở Bắc Ireland là kết quả của hàng năm trời thảo luận không chính thức, vận động hành lang và cam kết chiến lược từ nhiều phía, không chỉ từ những cái bắt tay trước ống kính.
Thực tế chiến trường hiện nay cũng không tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận cấp tốc. Sau hơn ba năm cầm cự, Ukraine vẫn giữ được tinh thần chiến đấu và đang tăng tốc trong việc nội địa hóa sản xuất vũ khí, giúp nước này ít phụ thuộc hơn vào viện trợ trực tiếp.
Về phần mình, Nga đã tái xây dựng nền kinh tế để phục vụ chiến sự, từ sản xuất pháo đến nhập khẩu vi mạch và không cho thấy dấu hiệu suy yếu nghiêm trọng dù bị bao vây cấm vận. Cả hai đều đang ở thế không muốn nhượng bộ và đây là nghịch lý trung tâm của mọi cuộc hòa đàm: hòa bình chỉ có thể đạt được khi bên nào đó tin rằng họ có thể mất nhiều hơn nếu tiếp tục chiến đấu. Tới thời điểm hiện tại, chưa bên nào tin vào điều đó.
Đó là lý do vì sao, thay vì kỳ vọng vào một thỏa thuận hòa bình toàn diện, Mỹ nên tập trung vào một mục tiêu khiêm tốn hơn nhưng khả thi hơn: một thỏa thuận khung và lệnh ngừng bắn tạm thời. Mô hình Colombia–FARC từng cho thấy, một văn kiện sơ bộ năm trang có thể mở ra một tiến trình đàm phán kéo dài nhiều năm nhằm đi đến hòa bình. Đó không phải là cách mà ông Trump quen dùng nhưng có thể là cách duy nhất để chứng minh rằng ông thực sự muốn chấm dứt xung đột, chứ không chỉ dừng lại ở những tuyên bố.
Đàm phán với Nga cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng xung đột này không thể được "giải quyết" bằng sức mạnh quân sự thuần túy. Ngược lại, nếu ông Trump gây ra quá nhiều sức ép mà không tạo ra lối thoát cho ông Putin, nhà lãnh đạo Mỹ có thể khiến Điện Kremlin phản ứng ngược, leo thang thay vì nhượng bộ.
Triển vọng đàm phán hòa bình
Gần đây, các vòng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã duy trì kênh tiếp xúc, với ba lần gặp chính thức kể từ giữa tháng 5 tới nay. Tuy nhiên, dù đã đạt một số kết quả nhân đạo như trao đổi tù binh hơn 1.200 người, trao trả thi thể binh sĩ và đề xuất ngừng bắn ngắn ngày để sơ tán thương binh, vẫn chưa có đột phá chính trị nào đáng kể về lệnh ngừng bắn toàn diện hay một thỏa thuận chính thức. Lập trường giữa hai bên vẫn chia rẽ sâu sắc, khiến các cuộc đàm phán chủ yếu dừng ở mức trao đổi thông tin và hình thức đối thoại hạn chế.
Phía Nga liên tục nhấn mạnh rằng một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky chỉ có thể diễn ra ở giai đoạn cuối của quá trình đàm phán, khi các điều khoản đã được giới chuyên gia xây dựng và thống nhất trước – điều này khiến lập luận của Ukraine về một hội nghị thượng đỉnh vào mùa hè gần như không khả thi. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo không nên trông chờ vào “đột phá thần kỳ” và cho biết sẽ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực ngoại giao để thu hẹp khoảng cách giữa các bên.
Giới phân tích quốc tế nhận định rằng khoảng cách về mục tiêu chiến lược giữa Nga và Ukraine vẫn là rào cản lớn. Moscow tiếp tục đòi hỏi việc công nhận Crimea và kiểm soát các vùng lãnh thổ phía Đông Ukraine, yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Ngược lại, Kiev kiên quyết không chấp nhận những điều khoản làm suy yếu chủ quyền hoặc tham gia các liên minh quân sự hạn chế độc lập quốc gia. Điều này khiến khả năng đạt thỏa thuận toàn diện trong ngắn hạn là cực kỳ thấp.
Một số mô hình ngoại giao mới đang được thảo luận như “đối thoại nhóm công tác trực tuyến” gồm chính trị, quân sự và nhân đạo giữa hai bên, hai buộc cho thấy tiến trình chưa thể gắn kết ở mức đàm phán chính thức và vẫn mang tính thăm dò nhiều hơn. Mặc dù vậy, việc duy trì đối thoại và trao đổi nhân đạo vẫn có thể mở rộng thêm các nhượng bộ nhỏ trước khi hướng đến các thỏa thuận sâu hơn.
Đặc biệt, cộng đồng quốc tế đang hình thành một “coalition of the willing” (liên minh thiện chí) hướng tới việc đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine, đồng thời duy trì viện trợ quân sự và siết chặt trừng phạt kinh tế với Nga nếu đàm phán thất bại. Mô hình này được thảo luận tại Hội nghị London tháng 3/2025 và nhằm tạo nền tảng bảo vệ một thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Triển vọng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine hiện tại vẫn rất mờ mịt. Tuy đã có những bước tiến nhân đạo và duy trì kênh đối thoại, nhưng sự khác biệt về mục tiêu chiến lược, thời gian thực hiện hạn chế và thiếu cam kết rõ ràng từ các bên liên quan khiến chưa thể có một thỏa thuận lớn được ký kết trong thời gian gần. Tuy nhiên, nếu các bên, nhất là Mỹ và các đồng minh châu Âu, duy trì áp lực đồng thời kết hợp với các kênh ngoại giao đa phương và xây dựng một tiến trình cụ thể, thì ít nhất vẫn có cơ hội tạo đà cho các vòng đàm phán sâu hơn trong tương lai.
Sau cùng, điều then chốt và cũng là điều chưa từng được thực sự thử nghiệm chính là một lộ trình đàm phán bài bản và được bảo trợ lâu dài bởi một bên trung gian quyền lực như Mỹ. Không phải chỉ vài cuộc điện thoại, không phải chỉ vài chuyến thăm, mà là một cam kết chiến lược kéo dài nhiều tháng, nhiều tầng, nhiều kênh tiếp xúc, từ ngoại giao bán chính thức đến đàm phán trực tiếp. Cho đến nay, điều này vẫn chưa thực sự diễn ra. Và vì vậy, không thể nói rằng con đường hòa bình ở Ukraine đã thất bại; đơn giản là vì nó vẫn chưa thực sự được bắt đầu.
Diệp Thảo/VOV.VN (Tổng hợp) The The New York Times, RT
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/muon-giai-quyet-xung-dot-nga-ukraine-trong-50-ngay-ong-trump-quen-dieu-quan-trong-post1217891.vov