Muốn giành thành tích cao, cần bỏ tư duy 'chộp giật'

Muốn giành thành tích cao, cần bỏ tư duy 'chộp giật'
11 giờ trướcBài gốc
Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về thành tích giành hạng ba chặng 1 và á quân chặng 2 SEA V-League 2025 của đội tuyển?
HLV Trần Đình Tiền: So với những gì chuẩn bị, thành tích trên là chấp nhận được.
PV: Nói như thế nghĩa là nếu được chuẩn bị chu đáo hơn thì đội sẽ giành kết quả tốt hơn?
HLV Trần Đình Tiền: Tôi cho rằng lịch trình di chuyển của đội, thời gian tập huấn cần được bố trí khoa học hơn. Trong trận ra quân, nhiều cầu thủ không có được trạng thái tốt nhất và thua Philippines 0-3. Rất may, toàn đội đã lấy lại tinh thần và giành kết quả tốt ở những trận sau.
Huấn luyện viên Trần Đình Tiền (thứ ba, từ trái sang) và các học trò sau khi giành ngôi á quân chặng 2 SEA V-League 2025. Ảnh: VFV
PV: Phải chăng tinh thần của cầu thủ là điều ông ấn tượng nhất ở giải này?
HLV Trần Đình Tiền: Đúng vậy! Trong những thời điểm quan trọng, các em đã biết cách vượt qua áp lực. Áp lực đó không chỉ đến từ đối thủ, trên khán đài mà còn đến từ mạng xã hội. Đánh được pha bóng hay, giành được chiến thắng thì cầu thủ được cổ động viên tung hô; ngược lại, chỉ cần xử lý hỏng là ngay lập tức bị chỉ trích.
PV: Vì sao bước 1 tiếp tục là điểm yếu của đội tuyển?
HLV Trần Đình Tiền: Để có được bước 1 tốt, cần sự cải thiện trong đào tạo, huấn luyện ở cấp câu lạc bộ (CLB), còn vai trò của đội tuyển là lắp ráp các vị trí. Ngoài ra, đội không thể tập trung được các cầu thủ đỡ bước 1 tốt nhất, bởi vì họ không muốn... lên tuyển.
PV: Dường như tâm lý không muốn lên đội tuyển vẫn đang là vấn đề nan giải?
HLV Trần Đình Tiền: Thực tế trên không phải ít. Theo quy định, khi lên đội tuyển, vận động viên (VĐV) sẽ bị cắt chế độ ở CLB và ngược lại, nếu nhận chế độ ở CLB sẽ thôi chế độ ở đội tuyển. Bởi vậy, mang tiếng đi đánh giải quốc tế đại diện cho quốc gia mà tuyển thủ gần như không được hưởng chế độ (ngoài tiền ăn, tiền thưởng). Hằng năm, các tuyển thủ nam có nhiều giải phong trào là cơ hội để họ kiếm thêm thu nhập. Có VĐV đã chia sẻ với tôi rằng: Trong một năm, việc lên tuyển khiến em mất đi 400 triệu đồng.
Tất nhiên, tiền chỉ là một nguyên nhân. Mấu chốt vẫn là áp lực thi đấu trên tuyển quá lớn, trong khi điều mà VĐV nhận được không tương xứng với những gì họ bỏ ra. Tất nhiên, nhiệm vụ của ban huấn luyện là không ngừng động viên, khích lệ tinh thần toàn đội chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Dù có nhiều khó khăn nhưng đội đã có những trận đấu làm nức lòng người hâm mộ, trong đó có 2 chiến thắng trước Thái Lan.
PV: Việc 2 lần đánh bại Thái Lan ở SEA V-League có ý nghĩa gì với toàn đội?
HLV Trần Đình Tiền: Lâu nay, nhiều tuyển thủ cứ gặp Thái Lan, Indonesia là... cóng. Không phải vì trình độ chúng ta thua đối thủ, mà việc thua trận nhiều dễ nảy sinh tâm lý e ngại. Hai chiến thắng trước Thái Lan sẽ giúp các tuyển thủ tự tin hơn trong những lần chạm trán tới.
PV: Kết quả tốt tại SEA V-League 2025 là cơ sở để toàn đội hướng tới mục tiêu cao hơn tại SEA Games 33?
HLV Trần Đình Tiền: Không hẳn vậy. Dù tâm lý toàn đội khi gặp Thái Lan đã thay đổi, nhưng sự chuẩn bị mới là điều quan trọng nhất. Thái Lan, Indonesia, Philippines vẫn còn nhiều quân bài tốt và điều quan trọng nhất là họ có lộ trình chuẩn bị cho SEA Games 33 từ đầu năm 2025. Các tuyển thủ của họ được tập huấn, thi đấu quốc tế quanh năm, lại được hưởng chế độ tốt. Trong khi đó, sau khi giai đoạn 2 Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2025 kết thúc, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam mới tập trung. Tôi ước tính đội tuyển có khoảng 20 ngày chuẩn bị cho SEA Games 33 và quỹ thời gian đó thật khó để mơ về những mục tiêu cao xa. Chúng ta vẫn đang áp dụng tư duy “chộp giật”, thay vì có sự đầu tư dài hạn, một lộ trình khoa học và chế độ đãi ngộ tốt để VĐV yên tâm cống hiến tài năng.
HOA LƯ (thực hiện)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/muon-gianh-thanh-tich-cao-can-bo-tu-duy-chop-giat-838153