Muốn khởi nghiệp thành công, phải dám đương đầu với thất bại

Muốn khởi nghiệp thành công, phải dám đương đầu với thất bại
8 giờ trướcBài gốc
Chị Lê Ngọc Hiền khởi nghiệp với trồng dưa lưới công nghệ cao
Chị Lê Ngọc Hiền cho biết, năm 2019, chị bắt tay vào cải tạo khu đất rộng hơn 1.000m2 của gia đình, dùng số tiền hơn 500 triệu đồng tích lũy được để xây dựng nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao. Thời điểm này, chị vẫn đang làm việc tại Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long.
"Khi tôi quyết định khởi nghiệp, gia đình không ủng hộ, ba mẹ lo sợ tôi sẽ thất bại, điều kiện làm việc thì khắc nghiệt. Làm việc trong môi trường nhà màng rất nóng. Thời gian đầu, buổi trưa đi làm ở cơ quan về, tôi lại chạy ra vườn làm việc, ai không quen với môi trường nhà màng thì rất dễ bị ngạt nhưng mình đã quyết định làm thì dám đương đầu với khó khăn", chị Hiền chia sẻ.
Chia sẻ lý do quyết định khởi nghiệp, chị Hiền cho biết, đó là mong muốn bước ra khỏi "vùng an toàn", muốn được làm những điều mình thích.
Thời gian đầu khởi nghiệp, chị Hiền gặp vô vàn khó khăn. Có vụ, cả vườn dưa trồng 2.500 cây thì có đến 500 cây không đậu trái, có vụ thì trái nhỏ do đổi giống mới… Do kiến thức nông nghiệp ban đầu là con số 0 nên chị phải học hỏi liên tục và bằng nhiều cách khác nhau, qua sách vở và cả những anh chị có kinh nghiệm trong nghề.
Đến năm 2020, chị Hiền chính thức nghỉ việc ở cơ quan nhà nước sau 13 năm gắn bó để tập trung cho việc khởi nghiệp. Cũng chính thời điểm này, khi chuẩn bị vào mùa thu hoạch dưa cũng là lúc xảy ra dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội.
Chị Lê Ngọc Hiền khởi nghiệp với trồng dưa lưới công nghệ cao
Việc này khiến cho chị như "ngồi trên lửa", không biết việc tiêu thụ sẽ như thế nào. May thay, khi chỉ còn chưa tới 15 ngày nữa là thu hoạch thì hết giãn cách xã hội. Thế nhưng, lúc này, chị lại phải đối mặt với một khó khăn khác là 5 tấn dưa thu hoạch được bị thương lái lấy đủ lý do để ép giá. Không chấp nhận điều này, chị quyết định tự mình bán lẻ toàn bộ số dưa trong vườn.
"5 tấn dưa được tôi bán chỉ trong vòng 6 ngày bằng cách tận dụng mối quan hệ xã hội của bản thân, chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, nhiều người biết đến và mua. Bên cạnh đó, khi hết giãn cách, mọi người cũng mong được đi ra ngoài sau thời gian bị chôn chân ở nhà, được đến vườn dưa để trải nghiệm", người phụ nữ quê Vĩnh Long này chia sẻ.
Từ thực tế đó, chị Hiền xác định được hướng đi cho mình: Không chỉ là trồng dưa lưới để bán mà còn kết hợp du lịch và gắn với giáo dục, lan tỏa ra cộng đồng. Bên cạnh dưa lưới, chị còn trồng dưa leo, dưa hấu, cà chua, cà tím... để đa dạng nông sản tại nông trại.
Nhiều trường học đã kết nối đưa học sinh đến Peace Farm để tham quan, trải nghiệm. Tại đây, các bạn nhỏ vừa được tham quan trải nghiệm, vừa được tìm hiểu cách trồng nông sản và được truyền cảm hứng khởi nghiệp.
Có kiến thức, tri thức và chịu học hỏi
Năm 2024, Dự án "Phát triển mô hình nông nghiệp đô thị bền vững gắn với du lịch và giáo dục trải nghiệm - Hộ kinh doanh cơ sở sản xuất và kinh doanh Peace Farm" của chị Lê Ngọc Hiền đã lọt vào vòng chung kết cấp vùng - khu vực miền Nam Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức và đạt giải khuyến khích.
Chị Lê Ngọc Hiền kết hợp làm nông nghiệp với du lịch - giáo dục trải nghiệm
Theo chị Hiền, khi tham gia cuộc thi, chị đã hiểu hơn về phong trào khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ và cả những sáng tạo, công nghệ mới trong khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp nông nghiệp.
"Tại cuộc thi, tôi đã được các chuyên gia góp ý cần phải hạch toán cụ thể hơn về chi phí đầu tư để lợi nhuận được rõ ràng, cũng như tối ưu hóa lợi nhuận. Những góp ý quý báu đó đã được tôi tiếp thu thực hiện", chị Hiền chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong suốt hành trình khởi nghiệp của mình, chị Hiền luôn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, đoàn thể, trong đó có Hội LHPN các cấp.
Theo chị Lê Ngọc Hiền, muốn khởi nghiệp nông nghiệp thành công thì đam mê thôi là chưa đủ, mà phải có kiến thức và tri thức. Bên cạnh đam mê thì phải có nền tảng học thức để biết được con đường mình đi, mình cần phải làm gì.
"Bản thân mình muốn khởi nghiệp thì phải biết đọc tài liệu để hiểu sâu lĩnh vực liên quan. Muốn tồn tại được thì người khởi nghiệp phải hiểu được thị trường đang vận hành như thế nào, sản phẩm mình làm ra sẽ ở phân khúc nào, đối tượng nhắm đến là ai", chị Hiền nói.
Một điều quan trọng nữa khi khởi nghiệp là phải quản lý hiệu quả các khâu trong suốt quá trình sản xuất và vận hành.
Sản phẩm dưa lưới của chị Lê Ngọc Hiền được nhiều người tiêu dùng lựa chọn
Chủ nông trại Peace Farm cho rằng, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc lựa chọn của người tiêu dùng. "Tại sao người tiêu dùng chọn mua dưa của Peace Farm? Vì họ tin vào thương hiệu và hiểu được câu chuyện của nông trại", chị Hiền chia sẻ.
Để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, nhà sản xuất phải luôn giữ chữ "tín" và có chế độ hậu mãi tốt. Ngoài ra, để đánh giá việc đầu tư, khởi nghiệp thành công hay thất bại còn tùy thuộc vào hệ quy chiếu của từng người.
Bởi bên cạnh giá trị về kinh tế, có những người khởi nghiệp lại đánh giá sự thành công ở những giá trị khác, như trách nhiệm xã hội, đóng góp cho cộng đồng.
Bật mí về dự định của mình trong thời gian tới, chị Lê Ngọc Hiền cho biết sẽ hướng đến làm nông nghiệp sạch gắn với chăm sóc sức khỏe.
"Không ít người dân, phụ nữ hiện nay bị stress vì công việc, áp lực cuộc sống. Tôi mong muốn hướng mọi người đến gần hơn với thiên nhiên, thay đổi những thói quen không lành mạnh, dành thời gian cho việc làm vườn như một liệu pháp cho tinh thần. Trong hành trình khởi nghiệp đã qua, tôi hạnh phúc khi mang đến những giá trị nhất định cho cộng đồng, xã hội", chị Lê Ngọc Hiền chia sẻ.
MỘT SỐ KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP CỦA CHỊ LÊ NGỌC HIỀN
- Khi quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phải hiểu được chính sách, pháp luật liên quan. Sản phẩm làm ra phân phối như thế nào, hướng đến đối tượng nào; nếu không bán nguyên liệu thô thì có chế biến được thành sản phẩm khác không. Cần chủ động và đặt ra các "bài toán" cho mình.
- Để khởi nghiệp cần có đam mê, kiến thức, có đủ quyết tâm, chịu học hỏi và dám đương đầu với thất bại.
- Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ hướng đến lợi nhuận mà còn phải đặt vấn đề đạo đức kinh doanh lên hàng đầu.
- Khi khởi nghiệp, bên cạnh việc tạo ra kinh tế, thu nhập thì phải đem lại những giá trị khác cho cộng đồng. Nếu làm được điều này thì quá trình khởi nghiệp càng bền vững và có ý nghĩa.
Mộc Miên
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/muon-khoi-nghiep-thanh-cong-phai-dam-duong-dau-voi-that-bai-20250702133208639.htm