Suốt 5 năm qua, đều đặn mỗi tuần 3 lần, chị Huỳnh Thị Hạnh vào bệnh viện gắn liền với kim tiêm, dịch truyền. Gia đình nghèo, không lo nổi chi phí, nên mỗi đợt chạy thận, chị phải đi khắp nơi vay mượn và xin giúp đỡ. Những lúc không có tiền, chị đành chịu cơn đau vật vã. Cha mẹ chị đã 70 tuổi, nhưng phải thay phiên nhau làm việc nhà, ăn uống thiếu thốn, ốm đau không có tiền điều trị. Hiện, cả gia đình chỉ dựa vào thu nhập bấp bênh của con trai chị.
Chị Hạnh buồn bã tâm sự: “Ban đầu, tôi thường xuyên lên máu, phải nhập viện điều trị, bệnh thường tái lại. Cho đến khi tôi bị mệt, khó thở, cả người sưng phù, nhập viện mới biết mình bị thận. Thời điểm đó, tôi rất lo sợ, chỉ biết khóc mỗi khi nghĩ đến quãng đời còn lại của mình gắn với việc chạy thận, chạy tiền và đau đớn vì bệnh tật. Hàng tháng, tôi vay mượn khắp nơi để có tiền chạy thận, riêng tiền xe ôm khoảng 360.000 đồng/tuần, ăn uống thì xin cơm từ thiện. Cuộc sống khổ sở, 2 cánh tay trở nên biến dạng, nổi nhiều u lớn vô cùng đau đớn do nhiều năm chạy thận. Thậm chí, ăn uống nghỉ ngơi cũng chẳng dễ dàng”.
Chị Huỳnh Thị Hạnh
Thông tin với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Phạm Thị Bé Tư cho biết, gia đình của chị Hạnh không ruộng rẫy, quanh năm làm thuê kiếm sống. Hiện trong nhà có 4 người, nhưng 3 người bị bệnh, không thể lao động. Năm 2021, chồng chị Hạnh bất ngờ mất vì bệnh. Con gái chị đã lập gia đình, con trai đi làm công nhân thu nhập rất bấp bênh. Để chia sẻ một phần khó khăn cùng gia đình, địa phương vận động gạo, quà hỗ trợ. Rất mong có thêm sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để chị Hạnh duy trì chạy thận, kéo dài sự sống.
Tương tự, hoàn cảnh của vợ chồng ông Đặng Quốc Sếp và bà Huỳnh Thị Lê cũng rất khó khăn. Gia đình họ không có đất canh tác, chỉ sống bằng nghề mua bán nhỏ. Hàng ngày, ông Sếp thu mua lại mớ ốc, bó rau từ nhiều người, rồi đem ra chợ bỏ mối kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ khi bà bệnh, một mình ông phải vun vén gia đình, vừa chăm sóc cho bà, vừa bươn chải mưu sinh.
Bà Lê bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình nghèo nên tôi ít chú trọng đến sức khỏe. Khi bị đau nhức trong người, nghĩ bệnh nhức mỏi thông thường, tôi chỉ mua thuốc uống qua loa. Đến khi các khớp tay sưng to, đau nhức vật vã, đi khám mới biết mình bị viêm đa khớp nặng, kèm theo nhiều bệnh lý khác, như: Thoái hóa cột sống; rễ thần kinh thắt lưng; tăng huyết áp; chóng mặt kịch phát; dạ dày và tá tràng; hội chứng Cushing do thuốc; loãng xương...”.
Bà Huỳnh Thị Lê
Các khớp bị viêm đã ở mức độ nặng, dần biến dạng, khiến sức khỏe bà ngày càng yếu, mất khả năng lao động. Mặc dù, bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bác sĩ trấn an, khích lệ bà kiên trì kết hợp giữa điều trị y tế và chế độ ăn uống, cố gắng hoạt động tay chân, tập thể dục đều đặn. Khi đó, bệnh có thể được kiểm soát và hạn chế phát sinh biến chứng...
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tấn Mỹ Nguyễn Thị Bích Thùy chia sẻ: “Vợ chồng bà Huỳnh Thị Lê có 2 người con trai, đang làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, không ở gần để chăm lo cho ông bà. Hiện, cuộc sống của 2 ông bà rất đơn chiếc, dựa vào thu nhập ít ỏi từ việc bán ốc, rau”.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B, Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825, tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang.
NGUYỄN XÊ