Muôn vàn cách cai nghiện của người trẻ sau khi lệnh cấm thuốc lá điện tử có hiệu lực

Muôn vàn cách cai nghiện của người trẻ sau khi lệnh cấm thuốc lá điện tử có hiệu lực
11 giờ trướcBài gốc
Chật vật cai pod, vape
Nguyễn Thu Hà (20 tuổi, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những người trẻ đã quyết tâm từ bỏ thuốc lá điện tử sau khi lệnh cấm có hiệu lực. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định này, cô gái trẻ đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn với sự giằng xé nội tâm.
Hà kể lại, cô bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử từ cuối năm lớp 12. “Ban đầu mình không định hút đâu, nhưng bạn bè xung quanh đều dùng, rồi nói vui rằng nếu không thử thì giống như ‘người ngoài hành tinh’. Cuối cùng, mình hút để hòa nhập,” Hà nhớ lại.
Cảm giác tò mò ban đầu dần biến thành một thói quen khó bỏ. “Khi căng thẳng vì học hành, mình lại tìm đến pod như một cách để giải tỏa. Lúc đầu nghĩ chỉ hút cho vui thôi, nhưng không ngờ càng hút lại càng thấy nghiện. Dần dần, mình không thể kiểm soát được nữa,” cô chia sẻ.
Bạn trẻ chung tay vứt bỏ, làm 'đám tang' cho thuốc lá điện tử. (Ảnh chụp màn hình)
Khi lệnh cấm có hiệu lực, Hà quyết định ngừng sử dụng thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng. “Những ngày đầu, mình cảm thấy cực kỳ khó chịu. Buổi tối không ngủ được, ban ngày thì hay cáu gắt vô cớ. Thậm chí, có những lúc mình nghĩ đến việc bỏ cuộc,” Hà nói.
Để giúp bản thân vượt qua, Hà đã tham gia một hội nhóm cai thuốc lá trên mạng xã hội. Tại đây, cô nàng học được nhiều mẹo giúp giảm cơn thèm nicotine. “Mỗi khi thèm, mình cố gắng chạy bộ hoặc đi bơi để làm bản thân mệt đi. Cách này thực sự giúp mình bớt tập trung vào cơn thèm hơn,” Hà chia sẻ.
Trần Minh Hải (29 tuổi, nhân viên IT tại Hà Nội) bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử từ những năm 2017, khi sản phẩm này mới du nhập vào thị trường Việt Nam. “Ban đầu, mình nghĩ thuốc lá điện tử là cách để cai thuốc lá truyền thống, nhưng cuối cùng lại nghiện cả hai,” Hải thừa nhận.
Việc sử dụng thuốc lá điện tử đã trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của anh chàng 29 tuổi. “Mình mang pod đi khắp nơi, từ chỗ làm đến những buổi tụ tập bạn bè. Nhiều khi, không có pod trong túi là lại cảm thấy bứt rứt không yên,” anh kể.
Mọi chuyện thay đổi khi con gái Hải bắt đầu đi học mẫu giáo. “Con bé hỏi mình: ‘Bố hút cái gì mà mùi thơm thơm như kẹo dâu ý? Con muốn thử.’ Câu hỏi của con làm mình giật mình”, anh chia sẻ.
Đầu năm 2025, khi lệnh cấm thuốc lá điện tử có hiệu lực, Hải bắt đầu hành trình từ bỏ thuốc lá điện tử bằng cách giảm dần tần suất sử dụng. Anh chàng cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là vợ mình.
“Mỗi khi mình thèm hút, vợ lại nhắc nhở rằng đang làm điều này vì con. Sự động viên của vợ giúp mình không 'gục ngã' trong hành trình cai pod,” anh nói.
Để đối phó với cảm giác thèm nicotine, Hải thay thế thuốc lá điện tử bằng những thói quen lành mạnh hơn. Anh tham gia một câu lạc bộ pickleball của tổ dân phố để quên đi cảm giác thèm nicotine. “Chơi thể thao, đặc biệt là pickleball không chỉ giúp mình kiểm soát cơn thèm mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần rất nhiều,” anh chia sẻ.
Một bạn trẻ vứt thuốc lá điện tử vào sọt rác. (Ảnh chụp màn hình)
Nguyễn Hoàng Nam (23 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng là một trong những người trẻ quyết tâm từ bỏ thuốc lá điện tử sau lệnh cấm. Với Nam, việc sử dụng pod ban đầu chỉ là một cách để giảm căng thẳng trong cuộc sống sinh viên.
“Mình bắt đầu hút pod từ năm nhất đại học. Khi đó, áp lực từ việc học và những kỳ vọng của gia đình khiến mình cảm thấy ngột ngạt, áp lực. Một người bạn rủ mình thử hút vape, và mình nghĩ ‘Thử một lần chắc không sao,’” Nam nhớ lại.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, Nam nhận ra mình đã phụ thuộc vào nicotine. “Mình bắt đầu hút mỗi ngày, có hôm còn hút đến 5-6 lần. Không có vape, mình cảm thấy bồn chồn, không tập trung được khi làm việc, học tập,” Nam chia sẻ.
Khi lệnh cấm có hiệu lực, Nam quyết định từ bỏ. Thậm chí, nam sinh cùng nhóm bạn thân đã lập ra kế hoạch chi tiết để hỗ trợ nhau cai nghiện. “Chúng mình thống nhất rằng nếu ai trong nhóm tái sử dụng thì phải chịu phạt, chẳng hạn như chạy 10 vòng sân bóng, phạt tiền trong những lần đi chơi, tụ tập”, Nam nói.
Nam cũng tìm đến bác sĩ để nhận tư vấn và được hướng dẫn cách sử dụng các sản phẩm thay thế nicotine như kẹo ngậm hay miếng dán. “Điều quan trọng nhất là phải kiên trì. Có những lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, nhưng mình luôn nhắc nhở bản thân rằng mình đang làm điều này vì tương lai, sức khỏe,” anh chia sẻ.
Tương lai không khói thuốc
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai), thuốc lá điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Thành phần chính trong sản phẩm này bao gồm nicotine, glycerin, các chất dẫn (như nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde) – đều là các hợp chất có khả năng gây ung thư. Đặc biệt, một số loại thuốc lá điện tử còn được pha trộn với ma túy tổng hợp, làm gia tăng độc tính và nguy cơ nghiện.
Bác sĩ Hà nhấn mạnh: “Nicotine gây nghiện mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt ở thanh thiếu niên khi não bộ chưa phát triển hoàn thiện. Chất này không chỉ gây phụ thuộc mà còn làm người dùng khó kiểm soát cảm xúc, dễ dẫn tới việc sử dụng các chất gây nghiện khác.” Ngoài ra, khi các thành phần trong thuốc lá điện tử được nung nóng, chúng chuyển hóa thành hợp chất độc hại, thấm vào máu và gây tổn thương mạch máu, dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như tắc động mạch, xơ vữa động mạch, viêm phổi và suy hô hấp.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho rằng: “Việc từ bỏ thuốc lá điện tử không chỉ đơn thuần là vấn đề về ý chí, mà còn là một quá trình cần sự hỗ trợ từ nhiều phía."
Theo bác sĩ Phúc, một trong những khó khăn lớn nhất khi từ bỏ thuốc lá điện tử là sự lệ thuộc vào nicotine, một chất gây nghiện mạnh. “Nicotine tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, tạo ra cảm giác hưng phấn và giảm căng thẳng tức thời. Tuy nhiên, khi thiếu nicotine, cơ thể sẽ phản ứng bằng những triệu chứng khó chịu như bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, thậm chí là cáu gắt và trầm cảm. Đây là lý do nhiều người dù muốn bỏ nhưng lại dễ tái nghiện,” ông phân tích.
Theo bác sĩ, người cai thuốc lá điện tử cần có sự đồng hành của gia đình, bạn bè. (Ảnh minh họa bởi AI)
Ngoài ra, bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng việc từ bỏ không thể chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân người sử dụng. “Người trẻ cần được cung cấp kiến thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá điện tử ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đối với những người đã nghiện, các biện pháp hỗ trợ như liệu pháp thay thế nicotine (kẹo ngậm, miếng dán), tư vấn tâm lý, tham gia các chương trình cai nghiện là rất cần thiết. Đặc biệt, sự đồng hành của gia đình và bạn bè đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người nghiện duy trì động lực cai nicotine,” bác sĩ nói.
Việc cấm thuốc lá điện tử từ ngày 1/1/2025 tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu những tác hại do thuốc lá điện tử gây ra. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, bên cạnh các biện pháp pháp lý, cần tăng cường truyền thông, giáo dục và hỗ trợ y tế để giúp người dùng, đặc biệt là giới trẻ, từ bỏ hoàn toàn thói quen nguy hại này.
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/muon-van-cach-cai-nghien-cua-nguoi-tre-sau-khi-lenh-cam-thuoc-la-dien-tu-co-hieu-luc-post1707351.tpo