UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp để kết nối việc làm cho người lao động; trong đó tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động theo hợp đồng. Tiến hành rà soát, nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để thông tin cho các xã cung cấp cho người lao động. Đồng thời, tổng hợp thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời cho người lao động; thường xuyên thông báo các chương trình tuyển dụng để người lao động đủ tiêu chuẩn tham gia xuất khẩu lao động.
Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm tại huyện Mường La.
Hằng năm, huyện còn tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương người lao động làm việc ngoài địa phương tiêu biểu gắn với ngày hội tư vấn việc làm, hướng nghiệp, với nhiều gian hàng tư vấn giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp, thu hút đông đảo người lao động tham gia. Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 8 hội nghị tư vấn, hỗ trợ kết nối việc làm lưu động tại 8 xã. Qua các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm, người lao động được tiếp cận thông tin, hỗ trợ các thủ tục, lựa chọn được các ngành nghề phù hợp.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cung cấp thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại huyện Mường La.
Ông Đoàn Quang Mạnh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Hiện nay, huyện có 74.000 người trong độ tuổi lao động. Từ năm 2022 đến nay, huyện hỗ trợ hơn 9.000 lao động đi làm ngoại tỉnh, trong đó trên 60% làm việc tại các khu công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có các khu công nghiệp lớn như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; 125 người xuất khẩu lao động đi các nước theo hợp đồng; thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/người/tháng; hơn 1.000 lao động được tạo việc làm mới.
Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho lao động nông thôn. Trong đó, chủ yếu là các lớp nghề nông nghiệp, nông thôn, du lịch, như: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò và phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch… Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ nghề đạt 32%.
Công chức Lao động Thương binh và Xã hội xã Pi Toong, huyện Mường La, phát tờ rơi tuyên truyền về tuyển dụng lao động địa phương.
Gia đình anh Lò Văn Quý, bản Pi Tạy, xã Pi Toong, là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2021, sau khi tham gia ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm do huyện tổ chức, vợ chồng anh làm hồ sơ để đi làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Anh Quý làm ở lĩnh vực cơ khí với mức thu nhập 18 triệu đồng/tháng, còn vợ anh làm việc tại công ty điện tử, thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng, trừ chi phí sinh hoạt, anh chị gửi tiền về nhà chăm lo cho các con ăn học, ngoài ra còn tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng.
Anh Quý chia sẻ: Sau vài năm đi làm ăn xa, hai vợ chồng tôi đã tiết kiệm đủ tiền để xây dựng nhà ở, nên tháng 8/2024, tôi cùng vợ xin nghỉ việc ở Bắc Giang để về xây dựng nhà ở mới. Ngôi nhà hiện đã xây dựng xong phần thô, chỉ khoảng nửa tháng nữa là sẽ hoàn thiện. Tết năm nay, gia đình có nhà ở mới khang trang, đây là niềm mơ ước của gia đình tôi bao năm nay.
Ngôi nhà của gia đình ông Lò Văn Xiển cùng bản Pi Tay cũng đang được hoàn thiện. Ông Xiển cho biết: Gia đình tôi có 4 người đi làm ăn xa tại các tỉnh thông qua kênh tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Trung tâm còn hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục đi làm việc tại các công ty ở Hải Phòng; các con tôi có thu nhập ổn định từ 10-15 triệu đồng/người/tháng. Hằng tháng, các con gửi tiền về, vợ chồng tôi ở nhà trồng trọt, chăn nuôi, tiết kiệm, bây giờ đã đủ tiền để xây dựng nhà ở mới. Tết năm nay gia đình sum vầy trong ngôi nhà mới, mừng lắm!
Nhờ thu nhập từ đi làm ăn xa, nhiều gia đình trên địa bàn xã Pi Toong, huyện Mường La, đã xây dựng được nhà ở khang trang.
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện xuất hiện một số trường hợp người lao động tự tìm việc làm thông qua người thân, người quen giới thiệu hoặc tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, không thông qua các kênh tư vấn, giới thiệu việc làm chính thống. Dẫn đến không tìm được việc làm theo nhu cầu. Cá biệt, một số trường hợp bị các đối tượng xấu lừa đảo tham gia xuất khẩu lao động. Các đối tượng đưa ra những chế độ, chính sách “việc nhẹ, lương cao” để thu hút lao động. Sau khi người lao động nộp tiền, nhưng không được đi làm việc.
Trước thực tế trên, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hơp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị khuyến cáo nhân dân không tin, không nghe các luồng thông tin không chính thống, tránh những thiệt hại về kinh tế. Khi có nhu cầu tìm việc làm, cần thông tin đến UBND các xã, để được giới thiệu đến Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu đến các công ty tuyển dụng lao động có địa chỉ tin cậy để tìm kiếm việc làm phù hợp.
Thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, thời gian tới huyện Mường La tiếp tục rà soát, tổng hợp đăng ký nhu cầu tìm kiếm việc làm để có định hướng, hỗ trợ người lao động. Tăng cường tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, khuyến khích lao động trẻ tại các xã nghèo đi làm tại các khu công nghiệp trong nước và tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài... Phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Thu Thảo