Những mái nhà kiên cố ở Khu tái định cư bản Nà Ón, xã Trung Lý.
Giải bài toán "an cư"
Là huyện giáp biên, Mường Lát có địa hình chủ yếu là đồi núi cao, chia cắt mạnh, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Trong cơn “đại hồng thủy” năm 2018, thiên tai đã cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà, trường học bị vùi lấp, đường giao thông hư hỏng nghiêm trọng. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các khu tái định cư (TĐC) mới đã được xây dựng, giúp người dân chuyển đến nơi ở mới đảm bảo về hạ tầng điện, nước và sự an toàn.
Theo rà soát, đánh giá tại Quyết định số 4845/QĐ-UBND của UBND tỉnh, huyện Mường Lát có hơn 700 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai cần được di dời. Bên cạnh đó, theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Mường Lát có gần 900 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở.
Để giải quyết bài toán “an cư”, huyện gặp không ít khó khăn. Đơn cử, 11 dự án TĐC đang và sắp triển khai đều vướng nhiều trở ngại do địa hình chia cắt, dẫn tới chi phí đầu tư lớn, trong khi định mức hỗ trợ từ tỉnh còn thấp (300 triệu đồng/hộ đối với khu TĐC tập trung và 150 triệu đồng/hộ với khu TĐC liền kề). Hầu hết các dự án khi triển khai thiết kế đều vượt tổng mức đầu tư. Có trường hợp tổng mức đầu tư chưa đủ để thực hiện hạng mục san nền.
Trước những khó khăn này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 511/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Đề án 4845, trong đó hỗ trợ thêm chi phí giải phóng mặt bằng, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án. Bên cạnh đó, huyện Mường Lát đã linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia và địa phương để giải quyết triệt để bài toán “an cư”.
Ông Lò Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mường Lát, cho biết: "Cùng với các chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở đã và đang triển khai, việc thực hiện Chỉ thị 22 được xem là giải pháp tổng thể giúp huyện vùng biên xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến nay, riêng Chỉ thị 22, huyện Mường Lát đã hoàn thành 683/797 căn nhà".
Việc “an cư” không chỉ đơn thuần là việc di chuyển chỗ ở hay xây dựng những ngôi nhà mới, mà sâu xa hơn, đó là quá trình thay đổi nếp sống, thói quen sản xuất của đồng bào miền núi. Những khu TĐC như bản Poọng, bản Na Chừa, bản Qua đã trở thành “vùng sáng” khi người dân không còn canh tác du canh du cư, mà từng bước tiếp cận với lối sống định canh, chủ động làm ăn, đầu tư cho tương lai.
Vai trò chủ thể của người dân ngày càng được thể hiện rõ nét. Điển hình như hộ anh Vi Văn Dụ, ở bản Poọng, xã Tam Chung. Trước đây, gia đình anh sống trong căn nhà tạm ven suối, thường xuyên bị cô lập mỗi mùa mưa lũ. Sau khi được hỗ trợ làm nhà mới, anh mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, kết hợp trồng rừng. Nhờ chịu khó làm ăn, hộ anh Dụ đã thoát nghèo bền vững. Sự thay đổi không chỉ ở từng hộ gia đình, mà còn lan tỏa trong cả cộng đồng.
Biến tiềm năng thành lợi thế
Trong khi công tác TĐC giúp người dân ổn định cuộc sống, việc cải thiện điều kiện sản xuất và phát triển kinh tế lại là yếu tố then chốt giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng và an cư, việc khai thác tiềm năng đất đai và đẩy mạnh thu hút đầu tư trở thành yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế địa phương.
Ngoài phát triển nông nghiệp, du lịch được xem là lĩnh vực tiềm năng, đang được huyện chú trọng đầu tư khai thác. Với hơn 100 km đường biên giới, sở hữu nhiều danh thắng như Cổng Trời, bản Sài Khao, bia tưởng niệm Đoàn quân Tây Tiến, đền Tư Mã Hai Đào cùng bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, huyện đang phát triển ba nhóm sản phẩm du lịch chủ lực: du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch sinh thái, mạo hiểm.
Điểm nhấn cho du lịch huyện Mường Lát từ những thửa ruộng bậc thang đẹp (ảnh chụp tại xã Quang Chiểu).
Song song với đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Hiện nay, huyện có các mỏ khoáng sản gắn với nhà máy chế biến đá, gạch không nung của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hùng Lộc, Công ty CP Đầu tư Chung Nguyên. Huyện đang phối hợp với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh để hoàn thiện dự án xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Mường Lý. Khôi phục, phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, ủ rượu cần, rèn của đồng bào Mông cũng được quan tâm phục hồi.
Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Trịnh Văn Thế, nhấn mạnh: Sau hơn 2 năm Nghị quyết 11-NQ/TU, diện mạo huyện Mường Lát đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2024, huyện có 1 xã đạt chuẩn NTM; một dự án thủy điện quy mô 450 tỷ đồng được khởi công; một nhà máy chế biến sắn với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng đang hoàn tất thủ tục đầu tư, bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho người dân. Trong giáo dục, có bước tiến lớn với 18 trường học mới được khởi công. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, ô tô tiếp cận hầu hết bản làng.
Trên địa bàn huyện đang triển khai 28 dự án thuộc Nghị quyết 11-NQ/TU, bao gồm 22 dự án giáo dục, 3 dự án giao thông, 2 dự án nông nghiệp, 1 dự án cấp nước. Trong đó có 15 dự án đã khởi công (2 dự án đã hoàn thành, 13 dự án đang thi công), 2 dự án chuẩn bị khởi công, 1 dự án đang đấu thầu, 4 dự án đang khảo sát thiết kế, và 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Riêng 22 dự án giáo dục được giao vốn 200 tỷ đồng, đã giải ngân khoảng 80 tỷ đồng; dự kiến đến 30/6/2025 sẽ giải ngân đạt 120 tỷ đồng.
“Có thể nói, từ một “rốn nghèo” với địa hình hiểm trở và tập quán canh tác lạc hậu, Mường Lát đang dần thay đổi diện mạo sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU. Sự đổi thay không chỉ hiện hữu qua những vườn đào, vườn mận trên đỉnh đồi Nhi Sơn; cánh đồng sắn trù phú ở Mường Lý; xã Mường Chanh đạt chuẩn NTM; hay những công trình hạ tầng khang trang - mà còn ở chính tư duy, nhận thức của người dân. Mặc dù khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và tinh thần tự lực, tự cường của người dân, Mường Lát đang từng bước khẳng định vị thế mới, không còn là “huyện nghèo nhất tỉnh” - Chủ tịch UBND huyện Mường lát chia sẻ.
Rời Mường Lát, chúng tôi trở về xuôi theo con đường dốc quanh co của đại ngàn. Nơi trùng điệp núi non ấy, Mường Lát không còn là miền đất cô độc, lạc hậu mà đang từng ngày hòa nhịp với sự phát triển chung của toàn tỉnh. Và có lẽ, sự thay đổi trong niềm tin và khát vọng vươn lên của người dân nơi đây chính là thành quả lớn nhất mà Nghị quyết 11-NQ/TU đã mang lại sau hơn 2 năm triển khai - một thành quả vô giá không thể đo đếm bằng con số.
Bài và ảnh: Đình Giang