MV 'Chúc xuân' có sự tham gia của 25 ca sĩ, 5 nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc

MV 'Chúc xuân' có sự tham gia của 25 ca sĩ, 5 nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc
12 giờ trướcBài gốc
Dịp cận năm mới 2025, nhạc sĩ Hoài An vừa phát hành MV Chúc xuân (thơ: Lâm Xuân Thi) quy tụ 25 ca sĩ và 5 nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc.
Cụ thể, 25 ca sĩ hầu hết là giọng ca trẻ đoạt giải tại các cuộc thi âm nhạc, giảng viên thanh nhạc hoặc gương mặt quen thuộc trên truyền hình.
5 nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc gồm NSƯT Đinh Linh, Hải Phượng, Anh Tấn, Thu Thủy và nghệ sĩ Cao Hồ Nga.
Dàn ca sĩ trẻ hùng hậu tham gia MV.
MV được quay tại nhiều địa điểm nổi tiếng tại TPHCM như: UBND TPHCM, chợ Bến Thành, Bưu điện Trung tâm Thành phố, Nhà hát Thành phố, bến Bạch Đằng, Dinh Độc Lập, bến Nhà Rồng, cầu Ba Son, cầu Mống, công viên Lam Sơn, hồ Con Rùa…
Sản phẩm đậm đà chất nhạc truyền thống với thanh âm loạt nhạc cụ như đàn tranh, tam thập lục, sáo, đàn nguyệt...
Hoài An nói bắt đầu sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống từ năm 2000 và đặc biệt ưu tiên phong cách này từ năm 2013 đến nay. Từ lâu, anh ấp ủ làm MV nhạc Tết có nhiều nhạc cụ dân tộc.
Nhạc sĩ Hoài An.
Bài Chúc xuân còn có 1 câu violin ngắn của Hiền Lê - học trò nhạc sĩ Trần Tiến. Vì thời lượng MV vỏn vẹn 5 phút rưỡi nên các loại nhạc cụ dân tộc chỉ xuất hiện chung, chưa có "đất" để nhấn mạnh từng nhạc cụ.
Hoài An phổ nhạc từ bài thơ lục bát cùng tên của Lâm Xuân Thi. Cả bài là lời chúc của tác giả đến cuộc sống quanh mình như: hoa lá, ngày đêm, bóng hình...
Hai câu: "Chúc cho Phúc, chúc cho An/ Đời như điệu nhạc cung đàn hanh thông" là tâm tình tác giả gửi đến anh em nhạc sĩ Hoài An, Võ Hoài Phúc.
Phóng viên VietNamNet đặt vấn đề: Bài Chúc xuân của nhạc sĩ Đinh Trung Chính đã được các thế hệ khán giả Việt Nam biết đến rộng rãi, nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện. Ngoài ra còn một bài Chúc xuân của cố nhạc sĩ Lữ Liên. Việc tác phẩm trùng tên có thể gây nhầm lẫn, bị ảnh hưởng do phát hành sau.
Trước câu hỏi: "Khi nhận bài thơ Chúc xuân, Hoài An có thảo luận hay đề xuất đổi tên với tác giả Lâm Xuân Thi?", anh cho biết chưa từng tra cứu việc trùng tựa, nhất là khi phổ nhạc vì muốn giữ toàn vẹn bài thơ từ tựa đề đến nội dung, không sửa chữ nào.
"Kho tàng âm nhạc Việt Nam rất lớn, người làm nghề cũng không biết hết được. Tôi nghĩ việc trùng tựa bài cũng bình thường. Hiện nay việc tra cứu thông tin rất dễ. Mỗi ca khúc được định danh bằng tựa đề, tác giả... kế đến là ca sĩ, bản ghi nào", Hoài An nói.
Nhạc sĩ chia sẻ thêm hiện có những bài trùng tựa đề với sáng tác của mình cách đây 20 năm. Anh thấy bình thường, tin không ai cố ý làm vậy.
Trích đoạn MV "Chúc xuân"
Gia Bảo
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/ra-mv-chuc-xuan-nhac-si-hoai-an-khong-so-trung-ten-bai-nhac-xuan-kinh-dien-2356494.html