Giá đậu tương ghi nhận mức giảm nhẹ 0,68%. Ảnh minh họa.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến tương đối giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index suy yếu 0,2% về mốc 2.172 điểm. Với 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt giảm giá, thị trường nông sản đã gây chú ý trong phiên giao dịch hôm qua. Bên cạnh đó, nhóm kim loại phân hóa rõ nét trong bối cảnh cung - cầu diễn biến trái chiều.
Theo ghi nhận của MXV, giá đậu tương ghi nhận mức giảm nhẹ 0,68% về mức 378 USD/tấn trong phiên giao dịch đầu tuần. Thị trường không giữ được đà tăng trong đầu phiên, khi giá nhanh chóng quay đầu suy yếu theo xu hướng chung của các mặt hàng nông sản.
Yếu tố thời tiết tại Mỹ không có tác động đáng kể đến thị trường. Mưa lớn cuối tuần qua tại Texas, Oklahoma và Missouri đã cải thiện độ ẩm đất tại các khu vực khô hạn, hỗ trợ tiến độ gieo trồng tại khu vực Midwest. Mặc dù một số khu vực có thể bị trì hoãn do mưa, thị trường vẫn đánh giá đây là rủi ro ngắn hạn và chưa gây lo ngại vào thời điểm hiện tại.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 2,44 triệu tấn đậu tương Mỹ trong tháng 3, tăng 12% so với cùng kỳ và nâng tổng nhập khẩu quý I lên 11,6 triệu tấn, cao hơn 62% so với năm trước. Mặc dù vậy, các chuyên gia dự báo đậu tương Brazil sẽ chiếm lĩnh thị trường trong các tháng tới khi mùa thu hoạch tại nước này bước vào cao điểm. Bên cạnh đó, sản lượng đậu tương nội địa Trung Quốc cũng dự kiến tăng 2,5% trong năm nay, cho thấy xu hướng giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong dài hạn. Đây là yếu tố đã góp phần gây sức ép lên giá.
Trong khi đó, một số thông tin thương mại tích cực đã xuất hiện nhưng chưa đủ lực để đảo chiều thị trường; trong đó có việc Mỹ và Ấn Độ đạt được một thỏa thuận thương mại song phương và đề xuất thu phí tàu Trung Quốc theo Điều 301 được sửa đổi theo hướng loại trừ hàng nông sản, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động xuất khẩu đậu tương. Nhật Bản cũng được cho là đang cân nhắc tăng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, nhưng chưa có chi tiết cụ thể.
Tương tự đậu tương, hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu và dầu đậu đều đồng loại suy yếu. Giá dầu đậu tương giảm nhẹ không đáng kể 0,1%, cho thấy phe bán đã quay trở lại thị trường sau 5 phiên tăng liên tiếp. Sự thiếu rõ ràng về chính sách hỗ trợ nhiên liệu sinh học tại Mỹ tiếp tục làm suy yếu kỳ vọng tiêu thụ dầu đậu tương của nước này, khiến giá chịu áp lực.
Phiên giao dịch đầu tuần chứng kiến xu hướng phân hóa rõ nét trên thị trường kim loại. Trên thị trường kim loại quý, giá bạc đóng cửa nhích nhẹ 0,16% lên mức 32,52 USD/ounce. Trong khi giá bạch kim quay đầu suy yếu 1,01% xuống còn 967,1 USD/ounce.
Nhu cầu phòng vệ tài chính từ các nhà đầu tư đã kéo dòng tiền đổ về thị trường kim loại quý, trong đó có bạc trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Mới đây, Trung Quốc đã thực hiện các bước đi mới trong thương mại để đối chọi với Mỹ trên thị trường hàng hóa toàn cầu khi giảm nhập khẩu dầu thô từ Mỹ tới 90%, đồng thời mua lượng dầu kỷ lục từ Canada và tăng cường nhập khẩu đậu tương từ Brazil. Thêm vào đó, chỉ số Dollar Index đã xuống dưới 100 điểm - mức thấp nhất trong hơn ba năm qua. Cùng lúc, lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ vẫn duy trì ở mức cao trên 4,4%. Những yếu tố này đã khiến các mặt hàng kim loại quý; trong đó có bạc được hưởng lợi.
Ở chiều ngược lại, giá bạch kim chịu sức ép khi triển vọng tiêu thụ ô tô tại Mỹ trở nên kém tích cực hơn, qua đó có thể làm giảm nhu cầu đối với bạch kim trong lĩnh vực sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác của ô tô. Theo Cloud Theory, một tổ chức theo dõi giá xe tại Mỹ, giá xe mới tại đây đã tăng vượt mốc 50.000 USD và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Giá xe tăng mạnh khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong quyết định mua sắm. Trong khi đó, kể từ tháng 2, nhiều hãng xe và đại lý đã chủ động cắt giảm các chương trình ưu đãi và khuyến mại, làm suy yếu sức mua trên thị trường ô tô.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đảo chiều giảm 0,22%, lùi về mức 10.424 USD/tấn. Trong khi, quặng sắt tiếp tục đi lên thêm 1,91%, đạt 99,36 USD/tấn. Giá đồng đang chịu áp lực giảm khi nguồn cung tại Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 3. Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng đồng tinh luyện tháng 3 đạt 1,25 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức kỷ lục trước đó là 1,24 triệu tấn ghi nhận vào tháng 12 năm ngoái. Đà tăng sản lượng chủ yếu nhờ giá các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất như vàng và axit sulfuric tăng cao, giúp cải thiện biên lợi nhuận vốn đang chịu sức ép lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy gia tăng công suất.
Ở một diễn biến khác, quặng sắt mở rộng đà tăng nhờ số liệu xuất khẩu thép tích cực tại Trung Quốc. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép cây của Trung Quốc đạt tổng cộng 4,1 triệu tấn, bật tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, xuất khẩu thép cuộn dây đạt 660.000 tấn, đi lên 7,8% so với quý I năm ngoái. Đồng thời, sản lượng xuất khẩu thép hình chữ L và U đạt 1,6 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 24,4%.
Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN