Một số hoạt động tại nhà xưởng sản xuất phân bón trong Khu Liên hợp Snuol (huyện Snuol, tỉnh Kratie, Campuchia) của công ty THACO AGRI. Ảnh: Huỳnh Thảo - P/v TTXVN tại Campuchia
Mức thuế mới mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Campuchia – giảm từ mức dự kiến 49% xuống còn 36% theo nội dung thư thông báo mới nhất – đang đặt nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này vào tình thế buộc phải điều chỉnh chiến lược phát triển. Từ việc hạ chỉ tiêu tăng trưởng, tăng cường đàm phán song phương, cho tới nỗ lực đa dạng hóa thị trường và cơ cấu kinh tế, Campuchia đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo mức thuế quan áp đặt đối với Campuchia vào ngày 7/7, Phnom Penh đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 6% xuống 5,2% trong năm 2025 và 5% trong năm 2026. Tài liệu Khung tài chính công trung hạn giai đoạn 2026–2028 được Bộ Kinh tế Campuchia công bố cuối tháng 4/2025 cũng phản ánh rõ xu hướng này: tăng trưởng trong trung hạn dự báo giảm xuống mức bình quân 5,6%, thay vì 6,5% như kỳ vọng trước đó.
Mức thuế mới mặc dù đã được Washington điều chỉnh giảm, nhưng vẫn gây áp lực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Campuchia, vì nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, đặc biệt là hàng dệt may, da giày và các ngành phi may mặc như thiết bị điện tử tiêu dùng, vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các lĩnh vực dịch vụ hậu cần như vận tải, kho bãi, phân phối hàng hóa cũng bị ảnh hưởng.Bộ Kinh tế Campuchia cho biết, việc Mỹ áp thuế quan ở mức 36% sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Campuchia tại thị trường Mỹ – một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Trong ngắn hạn, các nhà sản xuất khó có thể điều chỉnh lại giá bán để bù đắp chi phí thuế tăng thêm, trong khi đơn hàng có thể bị chuyển hướng sang các quốc gia đang phát triển khác có mức thuế thấp hơn.Mặc dù vậy, Campuchia vẫn kiên định với mục tiêu thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển (LDC) vào cuối năm 2029 – một mốc quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Để đạt được điều đó, Chính phủ Campuchia đã triển khai đồng thời nhiều hướng đi: tiếp tục đàm phán với Mỹ nhằm giảm hơn nữa các mức thuế quan, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế và đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.Phó Thủ tướng Sun Chanthol, đồng thời là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) khẳng định nước này sẽ tận dụng thời gian còn lại trước ngày 1/8/2025 – thời điểm thuế mới có hiệu lực – để tiếp tục thảo luận với phía Mỹ. Ông nhấn mạnh mục tiêu là đưa thuế suất về mức thấp nhất có thể, nhằm giảm thiểu tổn thất và tạo dư địa cho các ngành kinh tế then chốt tiếp tục phát triển.Tiến sĩ Chey Tech, chuyên gia phát triển kinh tế – xã hội, đề xuất Campuchia có thể mở cửa một số lĩnh vực cho đầu tư của Mỹ, như cho phép Tập đoàn Starlink (thuộc SpaceX) cung cấp dịch vụ tại thị trường nội địa, hoặc tăng nhập khẩu dầu, khí đốt từ Mỹ để cân bằng thương mại song phương.Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại tỏ ra thận trọng. Ông Thong Mengdavit, chuyên gia địa chính trị và an ninh khu vực cho rằng Campuchia nên tập trung vào cải cách dài hạn như đảm bảo quyền lợi lao động, nâng cao minh bạch pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư để xây dựng lòng tin bền vững với các đối tác quốc tế.Ở góc nhìn khác, ông Yang Kim Eng – Chủ tịch Trung tâm Công dân vì Phát triển và Hòa bình – gợi ý Campuchia nên cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ để nâng cao độ tin cậy.Trong khi các cuộc đàm phán với Mỹ đang tiếp diễn, Campuchia đã nhanh chóng tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực khác. Theo kế hoạch, Thủ tướng Hun Manet sẽ chủ trì một cuộc họp cấp cao vào ngày 16/7 nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc – thị trường đang tiếp nhận ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp từ Campuchia.Hiện nay, Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu cho 9 loại nông sản của Campuchia gồm chuối, xoài, nhãn, dừa, sầu riêng, gạo, sắn lát, hạt ngô và hạt tiêu. Bộ Thương mại Campuchia cũng đang xúc tiến thêm các hiệp định thương mại song phương với các nước phát triển như Canada, Anh và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), nhằm tạo thế cân bằng trong thương mại quốc tế.Chuyên gia kinh tế Hong Vannak thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia nhận định ngành dệt may – vốn đóng vai trò trụ cột trong nhiều năm qua – đang dần bộc lộ điểm yếu, do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ và dễ bị tổn thương trước các biến động thuế quan. Theo ông, Campuchia cần nhìn nhận rõ rằng dệt may không phải là ngành chiến lược dài hạn. Ông Vannak nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chính phủ cần tập trung thúc đẩy các ngành có tiềm năng thực chất hơn như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, và công nghệ kỹ thuật số. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp cần được đầu tư mạnh mẽ vào chế biến sâu, với các sản phẩm chủ lực như điều, sắn, cao su và gạo – những mặt hàng có thị trường ổn định và tiềm năng lớn.Tài liệu tài chính công trung hạn của Campuchia cũng đưa ra những con số đáng chú ý về triển vọng tăng trưởng các ngành kinh tế chủ chốt trong giai đoạn 2026–2028. Cụ thể, ngành công nghiệp được dự báo đạt tăng trưởng bình quân 7,4%. Trong năm 2026, ngành này dự kiến chỉ tăng 7,1% – thấp hơn năm 2025. Tuy nhiên, nhờ sự phục hồi của ngành xây dựng và sức tăng trưởng ổn định của sản xuất thực phẩm – đồ uống, toàn ngành vẫn giữ được xu hướng đi lên.Ngành nông nghiệp được dự báo tăng trưởng bình quân 1,2%, trong đó năm 2026 đạt 1%. Trồng trọt tiếp tục là phân ngành dẫn dắt, nhờ đẩy mạnh đầu tư vào chế biến và xuất khẩu, trong khi ngành chăn nuôi và thủy sản ghi nhận tín hiệu hồi phục.Đáng chú ý, ngành dệt may, dù gặp khó khăn, vẫn được kỳ vọng phục hồi dần từ năm 2027 nhờ triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ. Chiến lược phát triển ngành may mặc, giày dép và túi xách của Campuchia giai đoạn 2022–2027 hiện đang trong quá trình thực thi, với mục tiêu nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng giá trị gia tăng thông qua đầu tư vào công nghệ và đào tạo lao động.Việc xây dựng “Chiến lược chuyển đổi suôn sẻ” để chuẩn bị rời khỏi nhóm các nước kém phát triển (LDC) vào năm 2029 cũng được xem là nền tảng để cải thiện năng lực cạnh tranh. Quá trình này đòi hỏi Campuchia phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu, đồng thời củng cố năng lực thể chế để ứng phó với các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp trong thương mại quốc tế.Chính sách thuế quan mới từ Mỹ đang khiến Campuchia đối mặt với áp lực chưa từng có kể từ sau đại dịch COVID-19. Nhưng thay vì chỉ coi đó là cú sốc tiêu cực, các nhà hoạch định chính sách ở Phnom Penh đang cố gắng biến vấn đề này thành chất xúc tác cho cải cách. Cơ hội vẫn hiện hữu nếu Campuchia có thể nhanh chóng thích ứng, tái cấu trúc nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và từng bước nâng cao nội lực.Mục tiêu rời khỏi nhóm LDC vào năm 2029 đang trở thành trục xuyên suốt cho các quyết sách kinh tế hiện nay của Campuchia. Nhưng để chạm được cột mốc này, Campuchia không chỉ cần sự kiên trì, mà còn cần một chiến lược linh hoạt, thực tế và nhất quán -từ đối ngoại thương mại cho tới cơ cấu nội tại- trong bối cảnh thế giới đang ngày càng bất định.
Huỳnh Thảo/BNEWS/vnanet.vn