Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng năm 2025 là 16%, thậm chí có thể đạt mức cao hơn, lên tới 17-18% trong điều kiện thuận lợi, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức từ 8% trở lên.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng thay đổi khi xuất khẩu sụt giảm?
Tại thời điểm NHNN đưa ra mục tiêu này, các chuyên gia, công ty phân tích thị trường cũng như ngành ngân hàng kỳ vọng hoàn toàn có thể đạt được, nhờ sự tích cực của nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn vay ngay từ đầu năm ở các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư công.
Thực tế, theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 20/3/2025, tín dụng tăng 1,98% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2024 tăng trưởng âm 0,2%). Kết quả kinh doanh quý I/2025 của nhiều ngân hàng (VIB, NamABank…) cho thấy tín dụng quý I/2025 thậm chí tăng 3 - 4%, cao gấp 2-3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, có hiệu lực vào ngày 9/4/2025. Nhiều ý kiến lo ngại nếu việc áp thuế này có hiệu lực sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là xuất nhập khẩu – một trong những lĩnh vực được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group - công ty tiên phong xuất trái cây tươi vào Mỹ từ năm 2008, cho biết điều doanh nghiệp lo ngại nhất là sức cạnh tranh của hàng Việt với các nước giảm sút khi bị áp thuế đối ứng.
"Đối tác Mỹ nhập hàng của Việt Nam mà không cạnh tranh được thì họ sẽ quay ra mua từ Thái Lan hoặc các nước khác", ông nhận định, bởi thuế nhập khẩu của Mỹ tăng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng nước này.
Trong bối cảnh xuất khẩu bị tác động nặng nề bởi chính sách thuế mới của Mỹ trong thời gian tới, động lực tăng trưởng sẽ đến từ nội địa và đầu tư công.
"Trước đây, họ chỉ phải bỏ 10 đồng để mua trái cây của Việt, thì giờ trả 15 đồng. Do vậy, họ sẽ đắn đo, chọn mặt hàng khác, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay", ông nói.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Việt Thắng Jean, bày tỏ lo lắng khi doanh nghiệp này đang chịu thuế suất 16%, nhưng tổng mức thuế có thể lên tới 62% khi cộng thuế đối ứng.
Mỹ hiện là thị trường mua tới 40% sản lượng của Việt Thắng Jean. "Bài toán duy trì thị trường trở nên cực kỳ nan giải. Nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, công ty sẽ khó lòng cạnh tranh và đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn", ông Việt lo ngại.
“Việc áp thuế lần này của Mỹ có thể khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nhiều lĩnh vực bị mất hoặc giảm thị phần vì giảm sức cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác. Do đó, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không còn, kéo theo tăng trưởng tín dụng sẽ sụt giảm”, một chuyên gia nhận định.
Hóa giải nỗi lo
Về tín dụng, ông Phạm Lưu Hưng, Giám đốc SSI Research cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu bị tác động nặng nề thời gian tới, động lực tăng trưởng sẽ đến từ nội địa. Theo đó, định hướng tăng trưởng tín dụng hơn 16% năm nay của NHNN vẫn có thể thực hiện được.
Lý do là vì một khi khu vực nội địa tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tìm cơ hội để đẩy mạnh cho vay mạnh hơn nữa.
Đơn cử, trước đây cho vay cơ sở hạ tầng được xếp vào lĩnh vực rủi ro vì thời gian hoàn vốn lâu, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục liên quan đến đầu tư công cũng được rút ngắn, doanh nghiệp lấy lại tiền đầu tư nhanh hơn, từ đó ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hơn.
“Ngay cả ngành “khó nhằn” như cơ sở hạ tầng mà ngân hàng còn cho vay mạnh mẽ thì khi kinh tế nội địa phục hồi, nhiều ngành sẽ có cơ hội phát triển và ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay”, ông Hưng nhận định.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank chia sẻ: "Có thể nói rằng, chúng tôi tham gia vào dự án BOT là một lĩnh vực khá khó, bởi việc cho vay trong thời hạn khá dài, việc thu hồi nợ chủ yếu dựa trên dòng tiền. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm góp phần cùng đất nước giải quyết được 3 đột phá, trong đó có đột phá quan trọng là hạ tầng, thì TPBank đã rất cố gắng tham gia”.
Đến thời điểm này, TPBank đã cho vay cho các dự án BOT là 7.897 tỷ đồng, không chỉ dự án Hữu Nghị Chi Lăng, mà còn các dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án đường ven biển Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng và các dự án của tỉnh Long An - đường 830.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu sang thị trường Mỹ gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ tìm cách xuất khẩu vào các thị trường khác như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản hoặc một số nền kinh tế ở Mỹ Latinh để duy trì tốc độ xuất khẩu cao hơn, tạo động lực tăng trưởng mạnh từ xuất khẩu. Vì vậy, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh vẫn cao.
Hiện nay, để tạo chủ động cho các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, NHNN đang điều hành cơ chế tín dụng thông thoáng hơn. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Thực tế, từ năm 2024, NHNN đã bỏ “room” tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các ngân hàng trong nước, cách phân bổ room tín dụng cũng đã bớt cơ chế xin - cho hơn trước. Về cơ bản, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện nay đều được NHNN đáp ứng.
Huyền Anh