Ngày 9/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì hội thảo bàn về các kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố trong bối cảnh Mỹ vừa công bố chính sách thuế quan mới có tác động mạnh đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Hội thảo diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ 60 quốc gia, bao gồm Việt Nam. Theo đó, mức thuế mà Mỹ dự kiến áp dụng đối với hàng hóa từ Việt Nam lên đến 46%.
Đề xuất ba kịch bản tăng trưởng phù hợp mức thuế
Tại hội thảo, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, Mỹ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đặc biệt với các mặt hàng như điện, điện tử, gỗ, dệt may, da giày...
TS Trương Minh Huy Vũ.
Trong năm 2024, TP.HCM xuất khẩu sang Mỹ đạt 7,8 tỷ USD và chỉ nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD, tạo ra mức thặng dư thương mại lên đến 4,8 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc TP.HCM sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Đáng chú ý, theo ông Vũ, kinh tế TP.HCM không vận hành độc lập mà có mối liên kết chặt chẽ, cộng sinh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, chính sách thuế mới của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến riêng TP mà còn lan tỏa đến toàn vùng.
Từ thực tế trên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra ba kịch bản tăng trưởng tương ứng với ba mức thuế khác nhau:
Kịch bản bi quan: Nếu Mỹ giữ nguyên mức thuế 46%, GDP của TP có thể giảm từ 2 - 2,5%, tốc độ tăng trưởng năm 2025 chỉ đạt khoảng 4,63 - 5,75%.
Kịch bản trung bình: Nếu Việt Nam đàm phán được và mức thuế giảm xuống còn 20 - 30%, GDP TP có thể giảm 1,6 - 1,9%, tăng trưởng đạt từ 6,23 - 7,35%.
Kịch bản lạc quan: Nếu thuế giảm còn 10 - 15%, GDP giảm khoảng 1 - 1,3%, TP có thể tăng trưởng ở mức 7,37 - 8,49%, tiệm cận mục tiêu Chính phủ giao mục tiêu TP.HCM tăng trưởng kinh tế 8,5% trong năm 2025.
TS Vũ cho rằng thành phố cần tập trung nỗ lực để đạt được ít nhất kịch bản trung bình, đồng thời phấn đấu để tiệm cận kịch bản lạc quan, thông qua các giải pháp đồng bộ và chủ động hơn trong quan hệ thương mại quốc tế.
Để đối phó với các thách thức từ chính sách thuế mới, TS Trương Minh Huy Vũ đề xuất 7 nhóm giải pháp chính: Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là tìm kiếm các thị trường mới, giảm phụ thuộc vào Mỹ; Tăng cường đầu tư công để kích thích tăng trưởng trong nước; Thúc đẩy tiêu dùng nội địa và nâng cao hiệu quả chi tiêu công;
Triển khai các biện pháp bình ổn thị trường nhằm giảm thiểu tác động của giá hàng hóa tăng; Cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; Tập trung thực hiện các chương trình an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân; Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, đặc biệt là trong đàm phán thương mại và tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương.
Tác động của thuế đối ứng của Mỹ
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5% trong năm 2025. TP.HCM là đầu tàu kinh tế, thuế đối ứng của Mỹ chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch, định hướng phát triển đã đề ra.
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Văn Được.
Ông Được phân tích, khi thuế xuất khẩu bị nâng cao, chi phí hàng hóa tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ. Ngược lại, giá hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng lên, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ, giá trị cao - vốn đang được nhập khẩu nhiều để phục vụ sản xuất tại TP.HCM.
“Chính sách thuế của Mỹ với Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của TP; các kịch bản ứng phó có còn phù hợp; khả năng hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng ra sao?”, Chủ tịch TP.HCM đặt ra hàng loạt câu hỏi, đồng thời mong muốn nhận được các ý kiến góp ý, hiến kế từ chuyên gia, nhà kinh tế, doanh nghiệp và hiệp hội nhằm xây dựng các kịch bản ứng phó sát với thực tiễn.
Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh, TP.HCM cần có cái nhìn tổng quan và toàn diện để chủ động vượt qua thách thức, tiếp tục duy trì đà phát triển trong giai đoạn tới.
Hoàng Thọ