Thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ tên lửa huấn luyện AIM-120D Captive Air tại Căn cứ Không quân Misawa, Nhật Bản, vào ngày 7/12. (Nguồn: USMC)
Theo thông báo, thương vụ này bao gồm việc bán tới 1.200 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120D-3 và AIM-120C-8 (AMRAAM) cùng các thiết bị liên quan, gồm các bộ phận đẩy AMRAAM, đầu đạn, tên lửa huấn luyện không đối không AIM-120 (CATM), phụ tùng của bộ phận điều khiển; các thiết bị thử nghiệm và hỗ trợ, phụ tùng thay thế và sửa chữa... cho đồng minh Đông Bắc Á.
Thương vụ này nằm trong nỗ lực "cải thiện an ninh cho một đồng minh lớn, là lực lượng thúc đẩy sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương".
Dự kiến, thỏa thuận sẽ tăng cường khả năng của Nhật Bản trong việc ứng phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai, đặc biệt là trong việc bảo vệ đất nước cũng như quân nhân Mỹ đang đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Bộ Ngoại giao Mỹ bảo đảm, “Nhật Bản sẽ không gặp khó khăn gì khi tiếp nhận các mặt hàng và dịch vụ này vào lực lượng vũ trang của mình” và Washington cũng không gặp tác động nào tiêu cực trong khả năng sãn sàng phòng thủ quốc gia do thương vụ này gây ra.
Nhà thầu chính cho đợt bán hàng này là RTX Corporation có trụ sở tại Tucson, bang Arizona. Theo mạng tin UK Defence Journal, ngày 2/1, Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng Mỹ đã cung cấp chứng nhận cần thiết để thông báo cho Quốc hội về giao dịch tiềm năng này.
Trước đó, cùng ngày, Tạp chí Janes của công ty tình báo nguồn mở toàn cầu cùng tên cho hay, Tokyo và Washington đang hợp tác để triển khai một nghiên cứu nhằm đánh giá tính khả thi của việc đồng sản xuất AMRAAM tại Nhật Bản.
Trước đây, Janes đưa tin, các cuộc thảo luận về việc mở dây chuyền sản xuất tên lửa tại Nhật Bản đã diễn ra từ giữa năm 2024 do nhu cầu về tên lửa ở cả nước này và Mỹ đều tăng.
Hôm 26/12/2024, người phát ngôn của Cơ quan mua sắm, Công nghệ và Hậu cần Nhật Bản (ATLA) nói với Janes rằng, một nghiên cứu khả thi sẽ xem xét nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất, gồm "chi phí cần thiết, thời gian chuẩn bị, nội dung của hoạt động và những thách thức có thể phát sinh.
Tuy nhiên, ATLA không thể nêu rõ khi nào nghiên cứu sẽ bắt đầu. Theo người phát ngôn, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang "làm việc chặt chẽ" với Bộ Quốc phòng Mỹ để khởi xướng nghiên cứu.
Bảo Minh