Hình minh họa
Theo AP, đội ngũ cố vấn của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc các biện pháp có thể nhắm vào một số dự án xuất khẩu dầu của Nga. Các chi tiết cụ thể của biện pháp này vẫn đang được hoàn thiện.
Trước đây, ông Biden từng tránh đưa ra các hạn chế này vì lo ngại giá năng lượng có thể tăng mạnh, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng trước. Tuy nhiên, với giá dầu đang giảm do nguồn cung toàn cầu dư thừa và lo ngại rằng, ông Trump có thể ép Ukraine nhanh chóng đàm phán với Nga để kết thúc cuộc chiến gần ba năm, chính quyền Biden hiện đã sẵn sàng cho các hành động quyết liệt hơn.
Rủi ro và áp lực gia tăng trước khi ông Biden rời nhiệm sở
Những cân nhắc này phản ánh việc chính quyền Biden sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn khi đối đầu với Nga trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Điều này càng rõ nét khi các nỗ lực trước đây nhằm cắt giảm nguồn thu năng lượng của Nga chỉ đạt hiệu quả hạn chế, trong khi giá xăng trung bình tại Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021.
Trong những tuần cuối nhiệm kỳ, chính quyền Biden cũng đã tăng cường hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, giữa những lo ngại về cam kết tiếp tục hỗ trợ của ông Trump đối với Ukraine.
Hiện tại, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu Nga, nhưng các hạn chế mới nhắm vào một trong những nhà khai thác dầu lớn nhất thế giới – bao gồm việc nhắm vào các khách hàng nước ngoài mua dầu Nga – có thể đảo lộn chính sách hai năm qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Ngoài ra, chính quyền Biden cũng đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới đối với đội tàu chở dầu của Nga, được gọi là “hạm đội tàu trong bóng tối”, vận chuyển dầu Nga bất chấp lệnh trừng. Theo các nguồn tin, các hạn chế này có thể được công bố trong vài tuần tới.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang lên kế hoạch thực hiện các biện pháp tương tự đối với hạm đội tàu của Nga trước khi năm nay kết thúc. EU dự kiến sẽ nhắm vào các cá nhân liên quan đến hoạt động buôn bán dầu này.
Rủi ro kinh tế toàn cầu
Một mô hình trừng phạt rộng hơn mà Mỹ có thể áp dụng là các biện pháp tương tự đối với dầu Iran, nơi các khách hàng mua dầu phải đối mặt với các hình phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, động thái này ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt vì các quốc gia lớn như Ấn Độ và Trung Quốc là những người tiêu thụ chính dầu thô của Nga.
Hạn chế mới có thể đẩy giá dầu tăng mạnh, gây căng thẳng kinh tế toàn cầu. Giá dầu thô Brent, hiện ở mức dưới 75 USD/thùng, có thể tăng vọt so với mức hơn 120 USD/thùng vào những tháng sau khi Nga xung đột với Ukraine.
Các biện pháp này cũng có thể làm gia tăng căng thẳng với cả đối thủ và đồng minh, những bên mà Mỹ đang cần sự hợp tác để hạn chế xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm như chip và công nghệ phục vụ cỗ máy chiến tranh của Nga.
Thúc ép Nga trước khi ông Trump nhậm chức
Chính quyền Biden hy vọng các biện pháp này sẽ gia tăng áp lực lên Nga trước khi ông Trump nhậm chức. Tổng thống đắc cử Trump đã thúc đẩy các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, và các quan chức đương nhiệm muốn giúp chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy có thêm lợi thế trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Việc siết chặt tài chính với Nga có thể củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, nếu ông Trump cho rằng các biện pháp này làm tăng giá dầu, ông có thể sẽ đảo ngược chúng, nhưng điều này ẩn chứa rủi ro chính trị lớn khi có thể khiến ông bị coi là nhượng bộ Nga quá sớm.
Các biện pháp trước đây và hệ lụy
Trước đây, ông Biden chỉ giới hạn các hạn chế đối với dầu Nga bằng cách áp trần giá dầu, nhằm tránh làm xáo trộn thị trường toàn cầu trong khi vẫn hạn chế nguồn thu từ Nga. Mặc dù giá trị dòng dầu vận chuyển bằng đường biển đã giảm sau khi Nhóm G7 áp dụng mức trần giá vào cuối năm 2022, nhưng đã phục hồi sau đó.
Các biện pháp mới này tiếp nối quyết định tháng trước của Mỹ nhằm trừng phạt Gazprombank – ngân hàng lớn cuối cùng của Nga chưa bị áp lệnh cấm vận, vốn được các nước châu Âu sử dụng để thanh toán khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Một số quốc gia như Hungary, cùng với các nước phụ thuộc vào khí đốt Nga, đã cảnh báo rằng quyết định của Mỹ có thể gây rủi ro cho an ninh năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã yêu cầu miễn trừ trừng phạt.
H.Phan
AFP