Chính sách thuế quan gây quan ngại với ASEAN
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ về địa chính trị và kinh tế, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng nổi bật như một tâm điểm chiến lược. Tại đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không chỉ đóng vai trò kết nối địa lý giữa hai đại dương lớn nhất hành tinh là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, mà còn là trung tâm của hàng loạt sáng kiến hợp tác kinh tế, an ninh, và ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 và các hội nghị liên quan
Với tầm quan trọng như vậy, một cường quốc toàn cầu như Mỹ nếu muốn duy trì ảnh hưởng và vai trò tại khu vực, không thể đứng ngoài tiến trình đa phương mà ASEAN đang dẫn dắt, đóng vai trò trung tâm. Điều đó đòi hỏi Washington cần phải có cách tiếp cận phù hợp, từ đơn phương sang đa phương, từ giao dịch sang đối tác bền vững.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) tổ chức ở Malaysia mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nhấn mạnh rằng, ASEAN là “cơ chế ưu việt” cho sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ tái khẳng định cam kết lâu dài của Washington với khu vực và phủ nhận rằng các biện pháp thuế quan gần đây đồng nghĩa với việc Mỹ quay lưng với Đông Nam Á.
Tuy nhiên, phát biểu trên đây của Ngoại trưởng Mỹ dường như chưa đủ để khỏa lấp những lo ngại từ các quốc gia ASEAN đối với chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Việc chính quyền Mỹ áp đặt mức thuế cao đối với hàng loạt nước trong khu vực như 36% với Thái Lan và Campuchia, 32% với Indonesia, 25% với Malaysia và 40% với Lào, Myanmar… đã tạo ra những áp lực kinh tế không nhỏ với các quốc gia thành viên ASEAN bởi họ đều có trao đổi thương mại lớn với Mỹ.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First) vốn đặt lợi ích thương mại của Mỹ lên hàng đầu, dẫn tới một cách tiếp cận mang tính giao dịch, trong đó lợi ích kinh tế được hoán đổi để đổi lấy nhượng bộ khác. Tuy nhiên, khi triển khai chính sách này tại Đông Nam Á, dù nhiều hay ít, đều tác động nhất định tới lòng tin của các đối tác ASEAN - những quốc gia vốn rất coi trọng sự ổn định, tôn trọng lẫn nhau và nguyên tắc không can thiệp. Điều này còn dễ tạo ra một môi trường đầy thách thức cho ASEAN, buộc các quốc gia thành viên phải thích nghi với môi trường kinh tế khó đoán định hơn.
Ngoại trưởng Marco Rubio lý giải rằng việc áp thuế là nhằm “tái cân bằng” các quan hệ thương mại vốn gây thâm hụt cho Mỹ suốt nhiều thập kỷ, đồng thời khẳng định rằng các mức thuế này không tập trung vào một khu vực hoặc quốc gia cụ thể và cần thiết để giải quyết sự mất cân bằng thương mại “không bền vững”. Thế nhưng, vẫn khó giải thích việc Mỹ áp thuế cao riêng rẽ lên các quốc gia ASEAN vốn dựa vào xuất khẩu, chỉ thuần túy là mang tính “thương mại công bằng” khi nó tạo ra áp lực kinh tế và sự không chắc chắn đáng kể cho các nền kinh tế Đông Nam Á.
Tuy nhiên, việc áp mức thuế cao khiến ASEAN cảm thấy sự thiếu nhất quán trong chính sách tổng thể của Mỹ đối với khu vực. Điều này phản ánh một nghịch lý, đó là trong khi Mỹ liên tục khẳng định vai trò quan trọng, vị trí trung tâm của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, song những hành động thực tế lại mang tính đơn phương, tập trung vào lợi ích ngắn hạn, thay vì đầu tư xây dựng một mối quan hệ đối tác lâu dài, bền vững dựa trên nguyên tắc cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.
ASEAN có vai quan trọng với Mỹ
Quan hệ ASEAN - Mỹ trải qua gần 50 năm hợp tác, được nâng cấp theo từng bước: đối tác đối thoại (1977), đối tác toàn diện tăng cường (2005), đối tác chiến lược (2015) và tới năm 2022 là đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong khung quan hệ của ASEAN với các nước bên ngoài. Điều này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau và là nền tảng cho hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới.
So với nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump cách đây 8 năm, ASEAN ngày nay đã trở nên quan trọng hơn nhiều về cả kinh tế lẫn chiến lược. Khu vực này có dân số hơn 680 triệu người, tổng GDP vượt 3.000 tỷ USD và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng. ASEAN cũng là địa điểm được nhiều công ty Mỹ lựa chọn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Không chỉ về kinh tế, ASEAN còn giữ vai trò then chốt về an ninh, là nơi định hình các quy tắc ứng xử dựa trên luật pháp quốc tế. Các sáng kiến như Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), hay các diễn đàn như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) đều do ASEAN chủ trì và dẫn dắt.
Mỹ cần nhận thức rõ rằng, trong môi trường cạnh tranh địa chính trị hiện nay, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể áp đặt trật tự khu vực. Trong khi đó, các cơ chế đa phương mà ASEAN dẫn dắt lại tạo ra nền tảng hợp tác rộng mở, nơi các nước lớn có thể cùng tồn tại, hợp tác và thỏa hiệp trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và lợi ích lẫn nhau.
Việc Mỹ áp dụng các chính sách song phương với từng nước ASEAN thay vì qua các cơ chế chung đã chưa thể hiện cam kết coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Nếu muốn xây dựng lòng tin chiến lược lâu dài, Mỹ cần chuyển sang cách tiếp cận đa phương, qua đó tăng cường phối hợp với các đối tác trong khuôn khổ chung mà ASEAN đã xây dựng.
Những sáng kiến hợp tác mới Mỹ triển khai thời gian qua như QUAD (Bộ tứ kim cương), AUKUS (liên minh an ninh giữa Mỹ - Anh - Australia) tuy có vai trò nhất định nhưng không thể thay thế ASEAN. QUAD và AUKUS chỉ gồm một số nước, giới hạn về lĩnh vực hợp tác, còn ASEAN có tính đại diện rộng hơn và được chấp nhận bởi tất cả các nước trong khu vực. Ngay cả các quốc gia tham gia QUAD và AUKUS cũng công khai ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.
Điểm đặc biệt của ASEAN là khả năng kết nối đa chiều với tất cả các đối tác lớn, từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đến Australia, Hàn Quốc… Không những thế, ASEAN còn là nơi thiết lập và vận hành các diễn đàn mang tính thể chế hóa hợp tác khu vực như Diễn đàn Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Trong đó, ASEAN giữ vai trò chủ động đề xuất chương trình nghị sự, dẫn dắt thảo luận và điều phối hành động.
Chính nhờ vai trò trung tâm ấy mà ASEAN có thể giúp các nước lớn giảm thiểu xung đột, thúc đẩy đối thoại và đạt được các thỏa thuận thực chất. Trong bối cảnh cạnh tranh các nước lớn ngày càng gay gắt, ASEAN càng đóng vai trò như một “van điều áp” giúp khu vực không rơi vào tình trạng chia rẽ hay đối đầu toàn diện. Các tuyến đường hàng hải đi qua Đông Nam Á là huyết mạch kinh tế toàn cầu, và việc đảm bảo an toàn, tự do hàng hải tại đây đòi hỏi hợp tác đa phương với vai trò trung tâm của ASEAN.
Phát biểu tại AMM-58, Ngoại trưởng Marco Rubio nhấn mạnh rằng, Đông Nam Á không thể bị gạt ra ngoài lề giữa những thách thức toàn cầu đang diễn ra khi tuyên bố: “Thế kỷ này và thế kỷ tới, câu chuyện của 50 năm tới sẽ phần lớn được viết ra ở đây”. Thế nhưng, để nước Mỹ là một phần trong câu chuyện đó, Washington cần thay đổi cách tiếp cận với khu vực. Chính sách ngoại giao không chỉ thể hiện ở cam kết mà phải được củng cố bằng hành động thực tiễn, nhất là khi ASEAN ngày càng đóng vai trò tại khu vực và toàn cầu.
HOÀNG HÀ