Mỹ sẽ áp thuế 150% đối với bất kỳ quốc gia BRICS nào đề cập đến việc loại bỏ USD. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại Hiệp hội Thống đốc đảng Cộng hòa ở thủ đô Washington, Tổng thống Trump chỉ trích gay gắt ý định của các nước BRICS muốn thiết lập đồng tiền riêng để "hủy hoại đồng USD". Nhà lãnh đạo Mỹ cũng lưu ý đến khả năng BRICS có thể chuyển sang sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Ông nhắc lại rằng, một trong những điều đầu tiên mà ông từng đề cập sau lễ nhậm chức ngày 20/1 là việc sẽ áp thuế 150% đối với bất kỳ quốc gia BRICS nào đề cập đến việc loại bỏ USD.
Hiện các nước BRICS chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào sau phát ngôn mới nhất của Tổng thống Trump.
Trước đó, ông Trump từng tuyên bố sẽ áp mức thuế 100% đối với hàng nhập khẩu từ các nước BRICS nếu họ thiết lập đồng tiền riêng hoặc từ bỏ đồng USD. Ông cũng cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ với bất kỳ nước này cố gắng thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế.
Trong diễn biến khác, theo hãng tin Yonhap, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Park Jong Won đã yêu cầu Chính phủ Mỹ đưa Hàn Quốc ra khỏi kế hoạch đánh thuế nhập khẩu mới, đồng thời nhấn mạnh Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước đã có hiệu lực hơn 10 năm qua.
Trong thông báo ngày 21/2 của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Thứ trưởng Park Jong Won đã đưa ra yêu cầu trên trong gặp với các quan chức Nhà Trắng, Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ khi ông có chuyến thăm Washington tuần này.
Theo ông Park, các công ty của Hàn Quốc có nhiều khoản đầu tư lớn vào Mỹ và hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa hai nước là một trong những yếu tố để Mỹ đưa Seoul ra khỏi danh sách các nước dự định sẽ áp thuế đối ứng cũng như áp thuế các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.
Thứ trưởng Park cũng nhấn mạnh đến thực tế là hầu hết thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa hai nước đã được xóa bỏ theo Hiệp định FTA Hàn - Mỹ.
Theo hiệp định thương mại này, tính đến năm 2024, mức thuế trung bình mà Hàn Quốc áp với các loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ chỉ là 0,79%, thậm chí còn thấp hơn nếu được xem xét hoàn thuế. Trong năm nay, mức thuế này tiếp tục được giảm xuống thấp hơn nữa.
Cũng theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, trong chuyến thăm Mỹ tuần này, Thứ trưởng Park cũng sẽ tìm cách sắp xếp các cuộc đàm phán cấp cao trong tương lai gần để thảo luận về cách thức thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ với Chính phủ Mỹ để thảo luận về các chính sách bảo hộ thương mại và giảm thiểu thiệt hại gây ra cho các ngành công nghiệp địa phương.
Trong diễn biến khác, Ủy viên phụ trách vấn đề thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic đã kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Washington vào ngày 20/2 với lời nhấn mạnh cần phải có sự tương hỗ cân bằng trong thuế quan giữa khối này và Mỹ.
Trong chuyến thăm, ông Sefcovic đã có các cuộc hội đàm với những thành viên chủ chốt trong chính phủ của Tổng thống Donald Trump, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và người được đề cử vào vị trí Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.
Tại các cuộc gặp, ông Sefcovic đã truyền đạt sự cởi mở của EU đối với việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa công nghiệp và tăng cường mua hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Ông Sefcovic nhấn mạnh rằng nếu Mỹ theo đuổi thuế quan đối ứng thì thỏa thuận đó phải có lợi cho cả hai bên.
Ông bày tỏ mong muốn của EU nhằm tránh một giai đoạn áp thuế lẫn nhau sẽ gây ra những tổn thất kinh tế cho cả hai nền kinh tế. Để làm được điều đó, các bên phải cùng ngồi vào bàn và giải quyết vấn đề.
Chính quyền Tổng thống Trump đã báo hiệu kế hoạch áp dụng thuế quan tùy chỉnh cho từng đối tác thương mại của Mỹ, có cân nhắc các yếu tố phi thuế quan.
Mặc dù thừa nhận rằng Mỹ tập trung vào thâm hụt thương mại hàng hóa, ông Sefcovic lại chỉ ra rằng các công ty Mỹ - phần lớn là các công ty công nghệ - được hưởng thặng dư đáng kể trong lĩnh vực dịch vụ. Sự cân bằng này khiến thâm hụt thương mại giữa Mỹ trong giao thương với EU vào khoảng 50 tỉ euro (52,35 tỉ USD) - tương đương 3% tổng mức thương mại song phương.
Ông Sefcovic tuyên bố rằng mức đó không phải là không thể khắc phục, đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng vấn đề này có thể được giải quyết tương đối nhanh chóng thông qua đối thoại liên tục.
Vị quan chức cấp cao của EU cũng bác bỏ tuyên bố về sự không công bằng trong quan hệ thương mại Mỹ - EU, yêu cầu Washington tạm dừng thuế quan trong khi hai bên giải quyết các mối quan tâm của mình.
Ông nói thêm rằng ưu tiên lớn nhất là lĩnh vực ôtô và cách thức hạ thấp và cuối cùng là xóa bỏ thuế quan, cũng như công nhận các tiêu chuẩn lẫn nhau. Theo ông Sefcovic, thuế quan của Mỹ đối với EU trung bình ở mức 1,4% trong khi thuế quan của EU đối với hàng hóa của Mỹ chỉ trung bình là 0,9%. Quan chức này cũng khẳng định nếu EU bị ảnh hưởng bởi thuế quan không công bằng, khối này sẽ phản ứng kiên quyết và tương xứng.
Dù vậy, ông Sefcovic bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ sẵn sàng xem xét việc giảm thuế quan. Ông nói thêm rằng họ rất cởi mở để thảo luận mọi thứ liên quan đến việc giảm thuế quan.
Ngoài những lo ngại song phương, ông Sefcovic nhấn mạnh những thách thức chung, chẳng hạn như tình trạng dư thừa công suất toàn cầu.
Ông Sefcovic nhấn mạnh rằng Brussels và Washington có những thách thức chung và cần tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng để tránh những tổn thất không cần thiết.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)