Những hộp Plumpy'Nut trong một nhà kho ở Rhode Island sau khi USAID cắt giảm tiền tài trợ buộc tổ chức phi lợi nhuận Edesia phải dừng các chuyến hàng. Ảnh: Edesia
Theo hãng tin Reuters ngày 16/5, thông tin trên do ba cựu nhân viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và hai nguồn tin tại các tổ chức cứu trợ khác đưa ra. Theo đó, số lương thực này đã bị kẹt lại trong bốn kho của chính phủ Mỹ kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định cắt giảm các chương trình viện trợ toàn cầu hồi tháng 1.
Một số thực phẩm sẽ hết hạn sớm nhất vào tháng 7 và có khả năng bị tiêu hủy, bị đốt, dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc bị xử lý theo cách khác.
Các kho này do Cục Hỗ trợ Nhân đạo (BHA) thuộc USAID quản lý và đang chứa khoảng 60.000 đến 66.000 tấn lương thực, được mua từ nông dân và nhà sản xuất Mỹ.
Theo một danh sách kiểm kê hàng hóa trong các kho đặt tại Djibouti, Nam Phi, Dubai và Houston, các kho này chứa hơn 66.000 tấn hàng, gồm bánh quy năng lượng cao, dầu thực vật và ngũ cốc tăng cường dinh dưỡng. Số hàng hóa này có tổng trị giá hơn 98 triệu USD.
Dựa trên số liệu từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), lượng thực phẩm đó đủ để nuôi hơn một triệu người trong ba tháng, hoặc toàn bộ dân số Gaza trong một tháng rưỡi.
Theo WFP, một tấn lương thực thường gồm ngũ cốc, đậu và dầu có thể đáp ứng nhu cầu ăn uống hàng ngày của khoảng 1.660 người.
Động thái giải thể USAID và cắt giảm chi tiêu viện trợ nhân đạo dưới thời Tổng thống Donald Trump diễn ra trong bối cảnh nạn đói toàn cầu gia tăng do xung đột và biến đổi khí hậu, đẩy ngày càng nhiều người đến bờ vực nạn đói, xóa bỏ hàng thập kỷ tiến bộ.
Theo WFP, hiện có 343 triệu người trên toàn thế giới đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trong số đó, 1,9 triệu người đang thiếu ăn trầm trọng và trên bờ vực nạn đói, phần lớn ở Gaza và Sudan, ngoài ra còn ở một số khu vực tại Nam Sudan, Haiti và Mali.
Trước các câu hỏi chi tiết về số hàng trong kho này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đang tìm cách để bảo đảm các chương trình viện trợ không bị gián đoạn và sẽ chuyển giao trước tháng 7 trong quá trình giải thể USAID.
Người phát ngôn này nói: “USAID liên tục tham vấn với các đối tác về nơi phân phối hàng hóa phù hợp nhất từ các kho hàng dự phòng trước khi hàng hết hạn, để sử dụng trong các chương trình cứu trợ khẩn cấp”.
Nguy cơ phải tiêu hủy một phần thực phẩm
Dù chính quyền Tổng thống Trump đã cấp miễn trừ cho một số chương trình nhân đạo, trong đó có chương trình tại Gaza và Sudan, nhưng việc hủy hợp đồng và đóng băng ngân sách trả cho nhà cung cấp, đơn vị vận chuyển và nhà thầu đã khiến lương thực bị mắc kẹt trong bốn kho nói trên.
Một đề xuất trao số hàng hóa này cho các tổ chức cứu trợ có thể phân phối đang bị đình trệ. Kế hoạch này đang chờ Văn phòng Hỗ trợ Nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt.
Trong khi đó, gần 500 tấn bánh quy năng lượng cao được lưu trữ tại kho USAID ở Dubai sẽ hết hạn vào tháng 7. Số bánh quy này có thể nuôi sống ít nhất 27.000 trẻ em suy dinh dưỡng nặng trong một tháng.
Số bánh quy này nhiều khả năng sẽ bị tiêu hủy hoặc dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trong một năm bình thường, chỉ khoảng 20 tấn lương thực bị tiêu hủy do hư hỏng trong quá trình vận chuyển hoặc lưu trữ.
Trước đó, một phần số hàng trên được dự định chuyển tới Gaza và Sudan – nơi đang đối mặt với nạn đói.
Theo thông báo gửi Quốc hội hồi tháng 3, USAID dự kiến sẽ sa thải gần như toàn bộ nhân viên trong hai đợt vào ngày 1/7 và 2/9 khi chuẩn bị đóng cửa. Nhiều nhân sự chủ chốt cần để quản lý kho và di chuyển hàng hóa sẽ nghỉ việc vào tháng 7.
Trẻ em đói ăn
Các em nhỏ chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Rafah, Dải Gaza, ngày 14/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ là nhà tài trợ viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới, chiếm ít nhất 38% tổng đóng góp được Liên hợp quốc ghi nhận. Năm 2024, Mỹ đã chi 61 tỷ USD cho viện trợ nước ngoài, trong đó hơn một nửa thông qua USAID.
Viện trợ lương thực của Mỹ bao gồm các loại thực phẩm trị liệu sẵn sàng sử dụng (RUTF) như bánh quy năng lượng cao và Plumpy’Nut - một loại bột nhão từ đậu phộng.
Theo bà Navyn Salem, người sáng lập Edesia – một nhà sản xuất Plumpy’Nut có trụ sở tại Mỹ, việc USAID chấm dứt các hợp đồng vận chuyển đã tạo ra tình trạng tồn đọng nghiêm trọng, buộc công ty phải thuê thêm kho để chứa hàng tồn.
Theo bà, kho hàng hiện chứa 5.000 tấn sản phẩm trị giá 13 triệu USD, có thể nuôi dưỡng trên 484.000 trẻ em.
Bà Salem hi vọng rằng sẽ sớm tìm ra cách chuyển sản phẩm của mình đến tay những đứa trẻ đang tuyệt vọng cần giúp đỡ.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF cảnh báo hồi cuối tháng 3 rằng kho RUTF đang cạn kiệt tại 17 quốc gia do thiếu kinh phí, có thể khiến 2,4 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng không được tiếp cận các sản phẩm thiết yếu này trong phần còn lại của năm.
Bốn kho của USAID hiện chứa phần lớn lượng lương thực dự trữ chiến lược của cơ quan này. Trong điều kiện bình thường, các kho có thể triển khai nhanh hàng tới những nơi như Sudan – nơi 25 triệu người, tương đương một nửa dân số nước này, đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Bà Jeanette Bailey, Giám đốc bộ phận dinh dưỡng tại Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) vốn là tổ chức nhận phần lớn tài trợ từ Mỹ, cho biết họ đang thu hẹp quy mô chương trình do bị cắt giảm kinh phí.
Bà nói rằng rất khó đánh giá tác động của tình trạng thiếu hụt thực phẩm trị liệu toàn cầu, đặc biệt ở những nơi chương trình viện trợ đã bị ngừng hoạt động. Bà nói: “Điều chúng tôi biết là nếu một đứa trẻ đang điều trị nội trú tại trung tâm hồi sức mà không còn được tiếp cận điều trị, hơn 60% trong số đó sẽ có nguy cơ tử vong rất nhanh”.
Hồi tháng 4, Tổ chức Action Against Hunger, một tổ chức phi lợi nhuận từng nhận hơn 30% ngân sách toàn cầu từ Mỹ, cho biết việc cắt viện trợ từ Mỹ đã dẫn đến cái chết của ít nhất sáu trẻ em tại các chương trình ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sau khi họ buộc phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc