Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ảnh: TASS
"Đây là sự leo thang căng thẳng chưa từng có, một quyết định làm tiêu tan hy vọng về việc bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào ở Ukraine", Thủ tướng Fico đồng thời nhấn mạnh rằng ông không đồng tình với đường lối của chính quyền Mỹ.
Tờ New York Times đưa tin ngày 17-11 rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Washington cung cấp để tấn công bên trong nước Nga. Quyết định của ông Biden được đưa ra chỉ hai tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đánh dấu "một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ", tờ báo lưu ý.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhắc lại rằng lập trường của Mátxcơva về các cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ sâu bên trong lãnh thổ Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ vào tháng 9. Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố: "Việc Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ của chúng tôi sẽ thể hiện sự tham gia trực tiếp của Mỹ và các vệ tinh của nước này vào các hoạt động thù địch chống lại Nga, cũng như là sự thay đổi căn bản về bản chất của cuộc xung đột".
Ngày 18-11, Văn phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock ủng hộ quyết định của Mỹ, Đức vẫn không thay đổi quyết định cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. Từ lâu, Berlin vẫn cho rằng động thái như vậy sẽ kéo Đức vào cuộc xung đột sâu với Nga.
Trong khi đó, theo Euronews, các Bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức một cuộc họp tại Brussels, Bỉ để thảo luận về những diễn biến liên tiếp trong cuộc xung đột Nga- Ukraine, gồm quyết định dỡ bỏ lệnh hạn chế tên lửa tầm xa của Tổng thống Mỹ, việc triển khai khoảng 10.000 binh sĩ Triều Tiên ở khu vực Kursk…
Tại cuộc họp, Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU hoan nghênh quyết định của Tổng thống Biden cho phép Kiev sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đại diện cấp cao này đã nhiều lần thúc giục các quốc gia thành viên , đặc biệt là Đức, một nhà tài trợ quân sự hàng đầu cho Kiev, dỡ bỏ các hạn chế này và trao cho Ukraine toàn quyền hành động. Nhưng những nỗ lực nhằm xây dựng một lập trường chung cho toàn EU đã thất bại, khiến mỗi quốc gia phải hành động đơn phương.
Kim Phượng