Cảnh phóng tên lửa đất đối không từ hệ thống Patriot. Ảnh: Lockheed Martin.
Quân đội Mỹ đã xác nhận kế hoạch tăng gấp 4 lần số lượng tên lửa phòng không Patriot PAC-3 MSE – loại tên lửa đánh chặn tối tân dùng để đối phó với các mối đe dọa từ trên không. Kế hoạch này được nêu rõ trong bản ghi nhớ của Hội đồng Giám sát Yêu cầu Quân đội (Army Requirements Oversight Council Memorandum), nâng tổng số tên lửa mua từ 3.376 lên 13.773 quả, với tổng chi phí bổ sung lên tới 40,2 tỷ USD. Trung bình, mỗi tên lửa PAC-3 MSE có giá khoảng 3,871 triệu USD.
Loại tên lửa này được thiết kế với khả năng đánh chặn ở độ cao tới 36.000 mét, tuy nhiên tầm bắn vẫn tương đối khiêm tốn: 120 km với máy bay và chỉ 60 km với tên lửa đạn đạo. Để so sánh, hệ thống THAAD có thể đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách lên tới 200 km (dù giá thành gấp 3 lần), còn hệ thống S-500 của Nga có thể đánh chặn từ khoảng cách tới 600 km.
PAC-3 MSE sử dụng cơ chế đánh chặn bằng động năng, tức không dùng đầu đạn nổ kích hoạt bằng ngòi nổ cận đích (proximity fuse), tương tự như các hệ thống THAAD và David’s Sling (hợp tác Mỹ–Israel).
Các hệ thống tên lửa đất đối không thuộc hệ thống Patriot. Ảnh: MW.
Trong thời gian qua, Mỹ đã đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống Patriot, đặc biệt sau khi phải triển khai thêm các hệ thống Patriot và THAAD đến Trung Đông kể từ tháng 10/2023, đồng thời viện trợ quy mô lớn cho Ukraine.
Ngày 23/6 vừa qua, khi Iran phóng loạt tên lửa đạn đạo nhắm vào căn cứ không quân Al Udeid (Qatar), các hệ thống Patriot của Mỹ đã phóng hàng chục tên lửa đánh chặn, đánh dấu trận tiêu hao lớn nhất từ trước đến nay đối với kho tên lửa Patriot.
Tính đến tháng 4/2024, Mỹ chỉ còn kho dự trữ tương đương 17 tiểu đoàn Patriot, và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan xác nhận rằng Washington không thể cung cấp thêm hệ thống Patriot mới cho Ukraine, dù Tổng thống Volodymyr Zelensky đã khẩn cầu “ít nhất 7 hệ thống”.
“Patriot của Mỹ hiện đang được triển khai khắp thế giới, đặc biệt là tại Trung Đông để bảo vệ binh sĩ Mỹ”, ông Sullivan nói. “Nếu có thể mở khóa thêm hệ thống Patriot, chúng tôi sẽ gửi. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang tập trung cung cấp tên lửa cho các bệ phóng đó”.
Hệ thống Patriot của Ukraine trong khoảnh khắc ngay trước khi bị tên lửa Iskander tấn công. Ảnh: MW.
Tại Ukraine, hệ thống Patriot đã phải hứng chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng, đặc biệt khi đối đầu với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, làm dấy lên câu hỏi lớn về khả năng sống sót của hệ thống này trong xung đột cường độ cao.
Mỗi hệ thống Patriot có giá khoảng 2,5 tỷ USD, cùng với nguồn cung cực kỳ hạn chế, khiến mọi thiệt hại trở nên khó có thể bù đắp – đặc biệt là với Ukraine. Mỹ lâu nay ưu tiên sử dụng không quân cho phòng thủ trên không thay vì dựa vào hệ thống phòng không mặt đất, khác với các quốc gia như Nga, Triều Tiên, Iran, hay Trung Quốc – nước có cách tiếp cận cân bằng hơn giữa không quân và hệ thống phòng thủ dưới mặt đất.
Ngày 26/5, người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Igor Ignat, cho biết hệ thống Patriot gặp khó khăn đáng kể khi đối phó với tên lửa chiến thuật Iskander-M của Nga.
“Tên lửa Iskander thực hiện các thao tác cơ động ở pha cuối để phá vỡ tính toán đường bay của Patriot…Thêm vào đó, Iskander có thể thả mồi bẫy để đánh lừa tên lửa đánh chặn Patriot”, ông nói.
Nhận định này được đưa ra sau khi xuất hiện nhiều video xác nhận rằng các hệ thống Patriot đã bị phá hủy trong các đợt tấn công riêng biệt bằng Iskander-M suốt hơn một năm qua.
Huyền Chi