Mỹ chỉ giảm thuế xuống 10% bất chấp thiện chí từ các nước đối tác

Mỹ chỉ giảm thuế xuống 10% bất chấp thiện chí từ các nước đối tác
9 giờ trướcBài gốc
Dù đang tích cực thúc đẩy hàng loạt thỏa thuận thương mại song phương, chính quyền Mỹ khẳng định sẽ duy trì mức thuế nhập khẩu “cơ bản” ở mức 10%, ngay cả với các đối tác được đánh giá là thiện chí và có quan hệ cân bằng với nền kinh tế số một thế giới.
Thông tin này được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick xác nhận trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 8/5, trong bối cảnh Nhà Trắng chuẩn bị công bố hàng chục thỏa thuận thương mại mới trong vòng một tháng tới. Tuy nhiên, ông Lutnick nhấn mạnh rằng chiến lược "thương mại công bằng vì nước Mỹ" vẫn là kim chỉ nam cho mọi đàm phán, đồng nghĩa với việc mức thuế tối thiểu sẽ không thấp hơn 10% trong phần lớn trường hợp.
Theo ông Lutnick, mức thuế này được xem là nền tảng áp dụng cho những quốc gia có cán cân thương mại cân bằng với Mỹ. Với những đối tác đang có thặng dư thương mại lớn, mức thuế có thể cao hơn và chỉ được điều chỉnh về 10% nếu họ thực sự mở cửa thị trường, chứng minh cam kết cải thiện công bằng thương mại. Điều này khiến nhiều quốc gia, đặc biệt ở châu Á và châu Âu, lo ngại về tính linh hoạt trong chính sách thương mại của Mỹ.
Bên cạnh Trung Quốc – quốc gia hiện đang chịu mức thuế lên tới 145%, các nước khác như Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu đều đang trong quá trình đàm phán để tránh bị ảnh hưởng bởi chính sách áp thuế mới của Mỹ. Dù vậy, ông Lutnick thừa nhận rằng khối lượng công việc với các đối tác lớn vẫn còn rất lớn và chưa thể có kết quả trong ngắn hạn.
Trong khi đó, một số cuộc gặp song phương đang diễn ra liên tục trong thời gian Tổng thống Donald Trump tạm hoãn áp thuế “có đi có lại” kéo dài 90 ngày – ngoại trừ với Trung Quốc. Dù chưa có thỏa thuận cuối cùng, các cuộc đàm phán vẫn được kỳ vọng sẽ giúp giảm nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Lutnick cũng tiết lộ Mỹ đang xây dựng các mô hình hiệp định khung chung dành cho khoảng 20-30 quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. Theo đó, mỗi mẫu hiệp định sẽ được điều chỉnh theo đặc thù của từng quốc gia và nhóm sản phẩm cụ thể, với mục tiêu “tối ưu hóa lợi ích thương mại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ”.
Không chỉ nhắm vào thuế hàng hóa, chính quyền Trump còn tiếp tục chính sách áp thuế cao đối với các mặt hàng nhạy cảm như ô tô, thép và nhôm từ Canada và Mexico – hai đối tác trong Hiệp định USMCA. Đồng thời, ông Trump cũng ủng hộ đề xuất tăng thuế thu nhập với giới siêu giàu nhằm bù đắp chi tiêu ngân sách đang tăng cao do các gói kích thích kinh tế.
Mức thuế 10% được xem là trụ cột trong chính sách thương mại mới của Mỹ, bất chấp những chỉ trích rằng cách tiếp cận này sẽ tạo ra rào cản và gây bất ổn cho thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, với định hướng “nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump, Washington dường như sẵn sàng chấp nhận sự phản đối từ các đối tác để theo đuổi mục tiêu thương mại có lợi nhất cho nền kinh tế nội địa.
Duy Tuấn
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/kinh-doanh/my-chi-giam-thue-xuong-10-bat-chap-thien-chi-tu-cac-nuoc-doi-tac-202505091614525463.html