Mỹ chi 'khủng' cho đội tàu phá băng: Cuộc đua Bắc Cực nóng trở lại

Mỹ chi 'khủng' cho đội tàu phá băng: Cuộc đua Bắc Cực nóng trở lại
8 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng hạm đội tàu phá băng hoạt động tại Bắc Cực, với đề xuất phân bổ hơn 8,6 tỷ USD trong dự luật thuế và ngân sách nhằm tăng cường năng lực hàng hải trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.
Theo kế hoạch được Nhà Trắng công bố, khoảng 4,3 tỷ USD sẽ được dùng để đóng tới 3 tàu phá băng hạng nặng thuộc lớp Polar Security Cutter. Thêm 3,5 tỷ USD được phân bổ cho các tàu phá băng hạng trung Arctic Security Cutter, và 816 triệu USD dành cho việc mua sắm thêm các tàu phá băng hạng nhẹ và trung khác. Những tàu mới này sẽ có kết cấu thân vỏ được gia cố và thiết kế mũi tàu chuyên biệt để có thể di chuyển trong điều kiện băng dày ở vùng cực.
Tàu phá băng Polar Star của Mỹ ở Nam cực. Ảnh: Reuters
Lực lượng Tuần duyên Mỹ hiện chỉ có 3 tàu phá băng, trong khi giới chức quốc phòng từ lâu đã đề xuất quy mô đội tàu lý tưởng nên ở mức 8 - 9 chiếc, nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động ngày càng lớn ở Bắc Băng Dương.
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Bắc Cực
Việc mở rộng đội tàu phá băng là một phần trong nỗ lực rộng hơn của chính quyền Tổng thống Trump nhằm phục hồi ngành công nghiệp đóng tàu trong nước và để đối trọng với sự gia tăng năng lực hàng hải và quân sự của Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, ông Trump từng đề xuất áp thuế và phí đối với các tàu và thiết bị cảng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả cần cẩu container, để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước.
Biến đổi khí hậu đã khiến băng tan nhanh hơn ở hai cực, mở ra các tuyến hàng hải mới có tiềm năng kết nối ngắn hơn giữa các nền kinh tế lớn ở châu Á và châu Âu. Trung Quốc và Nga đang đẩy mạnh đầu tư vào các tuyến vận tải và năng lực phòng thủ tại Bắc Cực.
Mỹ, Canada và Phần Lan năm ngoái đã thành lập một sáng kiến hợp tác ba bên mang tên “ICE Pact”, với mục tiêu xây dựng một hạm đội 70 - 90 tàu phá băng trong thập kỷ tới, nhằm “phô diễn sức mạnh” và bảo vệ trật tự quốc tế tại khu vực này.
Ông Trump nhiều lần kêu gọi mở rộng đội tàu phá băng của Mỹ lên khoảng 40 chiếc, không chỉ phục vụ mục tiêu quân sự mà còn hỗ trợ các hoạt động dân sự, hậu cần và khai thác tài nguyên ở vùng Bắc Cực, nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng tiềm năng dầu khí và khoáng sản lớn.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Nga hiện sở hữu hạm đội tàu phá băng và tuần tra vùng cực lớn nhất thế giới với tổng cộng 57 chiếc. Trung Quốc tuy sở hữu ít tàu hơn nhưng đang đẩy mạnh đầu tư và hợp tác với Nga nhằm mở rộng hiện diện và kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Những nhà thầu đóng tàu nào sẽ tham gia?
Hai công ty đóng tàu của Mỹ – Bollinger Shipyards và Edison Chouest Offshore – hồi tháng 5 thông báo thành lập liên minh chiến lược mang tên United Shipbuilding Alliance (USA) để tham gia chương trình đóng tàu phá băng phục vụ hoạt động tại Bắc Cực. Người phát ngôn của Bollinger xác nhận, liên minh này sẽ nộp hồ sơ dự thầu chương trình Arctic Security Cutter của lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Hiện Bollinger đã được giao khởi động việc đóng chiếc đầu tiên thuộc chương trình Polar Security Cutter tại nhà máy ở Pascagoula, bang Mississippi – vốn từng thuộc sở hữu một nhà thầu mà công ty này mới mua lại. Theo báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố tháng 8/2023, dự án từng bị trì hoãn và đội vốn.
CBO khi đó ước tính tổng chi phí đóng 3 tàu phá băng hạng nặng có thể lên tới 5,1 tỷ USD (theo giá năm 2024), cao hơn gần 60% so với ước tính ban đầu của lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Một số nhà thầu khác cũng tham gia cuộc đua đóng tàu phá băng cho Mỹ. Hồi tháng 6, Davie Shipbuilding (Canada) công bố kế hoạch mua lại cơ sở đóng tàu của Gulf Copper & Manufacturing tại Texas và bày tỏ sẵn sàng tham gia các dự án của Mỹ. “Chúng tôi hoan nghênh cam kết tăng cường hạm đội phá băng của Mỹ, một bước đi cần thiết trong bối cảnh thách thức và cơ hội tại Bắc Cực ngày càng gia tăng”, người phát ngôn của Davie cho biết.
Một số công ty khác như Keppel AmFELS (của Singapore) tại Texas cũng có khả năng tham gia. Tuy nhiên, việc Mỹ mua tàu từ nước ngoài cần có lệnh miễn trừ đặc biệt từ Tổng thống, do luật hiện hành cấm lực lượng Tuần duyên mua sắm tàu từ nước ngoài.
Gần đây, lực lượng Tuần duyên Mỹ đã tiếp nhận thêm một tàu phá băng, chiếc đầu tiên trong vòng 25 năm qua. Tàu USCGC Storis, do Edison Chouest Offshore đóng từ năm 2012, đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6 vừa qua, với cảng nhà đặt tại Juneau, bang Alaska.
Như vậy, hạm đội phá băng của Mỹ hiện gồm: tàu phá băng hạng nặng Polar Star (dài khoảng 121,6 mét), tàu phá băng hạng trung Healy (128 mét), và tàu Storis mới gia nhập.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/my-chi-khung-cho-doi-tau-pha-bang-cuoc-dua-bac-cuc-nong-tro-lai-post1212275.vov