Mỹ chi nhiều tỉ USD phát triển siêu tàu ngầm tấn công thế hệ mới

Mỹ chi nhiều tỉ USD phát triển siêu tàu ngầm tấn công thế hệ mới
8 giờ trướcBài gốc
Động thái này thể hiện ưu tiên của quân đội Mỹ trong việc đầu tư cho các công nghệ quốc phòng thế hệ mới, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng và nhu cầu duy trì ưu thế chiến lược dưới biển ngày càng cấp thiết.
Theo tạp chí National Interest, hạm đội tàu ngầm của hải quân Mỹ hiện đóng vai trò then chốt trong thế trận răn đe hạt nhân của nước này. Với khả năng mang hơn một nửa số vũ khí hạt nhân chiến lược đang ở trạng thái vận hành, các tàu ngầm hạt nhân được đánh giá là “chân kiềng” bền vững nhất trong bộ ba răn đe hạt nhân (gồm oanh tạc cơ, tên lửa mặt đất và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo).
Để đảm bảo duy trì ưu thế dưới mặt biển trước các đối thủ chiến lược, hải quân Mỹ đang tập trung nguồn lực vào hai chương trình chính gồm lớp tàu ngầm hạt nhân chiến lược Columbia-class và tàu ngầm tấn công thế hệ tiếp theo SSN(X).
Tàu ngầm lớp Virginia USS North Dakota (SSN 784) - Ảnh: Reuters
Tương lai của tàu ngầm răn đe hạt nhân
Một phần đáng kể trong gói hợp đồng trị giá gần 1 tỉ USD mà General Dynamics nhận được sẽ được dành cho việc phát triển và sản xuất tàu ngầm lớp Columbia, dòng tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới của hải quân Mỹ, được thiết kế để thay thế các tàu lớp Ohio đang dần lạc hậu. Dự kiến, hải quân Mỹ sẽ đưa vào biên chế tổng cộng 12 tàu Columbia trong thập niên tới, với sự phối hợp sản xuất giữa General Dynamics Electric Boat và Newport News Shipbuilding.
Tàu ngầm lớp Columbia là nền tảng răn đe hạt nhân chiến lược trên biển của Mỹ trong thế kỷ 21. Với thiết kế hiện đại, mỗi tàu được trang bị 16 ống phóng tên lửa đạn đạo Trident II D5, loại vũ khí có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân với sức công phá từ 100 - 475 kiloton, tầm bắn từ 7.400 - 12.000km.
Từ chiếc thứ 9 trở đi, hệ thống phóng tên lửa sẽ được nâng cấp lên phiên bản D5LE2, một dự án hợp tác giữa Mỹ và Anh nhằm tăng cường tầm bắn và khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ đối phương. Ngoài vai trò răn đe chiến lược, Columbia còn có khả năng chống ngầm và chống hạm nhờ 4 ống phóng ngư lôi Mark 48 ADCAP (Advanced Capability), với tầm bắn từ 38 - 50km. Tàu còn được trang bị hệ thống mồi nhử âm thanh giúp tăng cường khả năng tàng hình trong môi trường tác chiến dưới nước.
Columbia là lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớn nhất từng được Mỹ chế tạo, với lượng giãn nước khoảng 20.810 tấn, chiều dài 171m và rộng 13m. Tàu sử dụng hệ thống đẩy điện hiện đại (electric-drive) kết hợp với bộ bánh lái chữ X, giúp tăng độ cơ động và giảm tín hiệu âm thanh phát ra, từ đó cải thiện độ tàng hình. Một điểm vượt trội khác là lò phản ứng hạt nhân của tàu có thể hoạt động liên tục trong suốt vòng đời 42 năm mà không cần tiếp nhiên liệu, giúp giảm chi phí bảo trì và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Tàu đầu tiên trong lớp này mang tên USS District of Columbia (SSBN-826), dự kiến được bàn giao năm 2027. Tổng ngân sách dự kiến cho toàn bộ chương trình 12 tàu Columbia ước tính lên tới 132 tỉ USD. Nhiều thông tin chi tiết về hệ thống tác chiến, cảm biến và các công nghệ tàng hình trên tàu vẫn được giữ kín vì lý do an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, tiến độ chương trình đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo từ Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO), chiếc tàu đầu tiên của lớp Columbia hiện bị chậm tới 16 tháng so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các vấn đề về thiết kế, sản xuất và năng lực của chuỗi cung ứng. GAO cho biết nhà thầu cần thực hiện “các biện pháp quyết liệt” để cải thiện hiệu suất thi công và giảm thiểu rủi ro chi phí phát sinh.
Chủ tịch Electric Boat, ông Mark Rayha, cũng thừa nhận sự cần thiết của sự hỗ trợ từ hải quân, quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump để có thể đẩy nhanh tốc độ giao hàng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tàu ngầm.
Tham vọng tấn công dưới lòng biển
Defense News cho biết, trong khi chương trình Columbia gặp trễ hẹn, một dự án khác mang tính chiến lược dài hạn của hải quân Mỹ cũng đang vấp phải trì hoãn, đó là tàu ngầm tấn công thế hệ mới SSN(X). Dự kiến tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, SSN(X) được kỳ vọng sẽ kết hợp khả năng tàng hình, tốc độ cao, độ bền vận hành và hệ thống tự động hóa hiện đại.
SSN(X) được thiết kế để thay thế các lớp tàu ngầm tấn công hiện tại như Virginia và Seawolf, với kế hoạch triển khai từ thập niên 2040. Đây là nền tảng tàu ngầm thế hệ mới nhất, tích hợp các công nghệ tiên tiến hàng đầu như khả năng tàng hình vượt trội, tốc độ hành trình cao, tải trọng vũ khí lớn và hệ thống điều khiển tự động hóa hiện đại. Theo mô tả của hải quân Mỹ, SSN(X) sẽ kết hợp những ưu điểm vượt trội từ các lớp tàu ngầm hiện hành gồm độ tàng hình và cảm biến của lớp Virginia, tốc độ và tải trọng của lớp Seawolf, cùng với độ bền vận hành và độ sẵn sàng cao như Columbia.
Tàu có lượng giãn nước dự kiến khoảng 10.100 tấn khi lặn, lớn hơn lớp Virginia (7.800 tấn), và sử dụng lò phản ứng hạt nhân cho phép hoạt động lâu dài mà không cần tiếp nhiên liệu. Vũ khí tích hợp bao gồm ngư lôi Mark 48 ADCAP, tên lửa hành trình Tomahawk, và nhiều khả năng có hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) cho các nhiệm vụ tấn công đa nhiệm. SSN(X) cũng được tối ưu hóa cho chiến tranh chống tàu ngầm (ASW), tác chiến đa nhiệm dưới biển, và phối hợp với các phương tiện không người lái dưới nước (UUVs).
Tuy nhiên, theo báo cáo gửi quốc hội của Cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ (CRS) vào tháng 7.2025, thời điểm khởi công đóng mới chiếc SSN(X) đầu tiên đã bị đẩy lùi từ năm tài khóa 2035 sang năm 2040 do hạn chế ngân sách. Trước đó, chương trình đã từng được ấn định bắt đầu từ năm 2031. Mức chi phí dự kiến cho mỗi chiếc tàu ngầm thế hệ mới này dao động từ 7,1 - 8,7 tỉ USD,
Đáng chú ý, báo cáo cảnh báo rằng sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực tác chiến dưới biển của hải quân Mỹ trong tương lai. Việc duy trì ưu thế chiến lược trong môi trường cạnh tranh toàn cầu đòi hỏi Mỹ không được để khoảng trống năng lực xuất hiện, nhất là khi các cường quốc khác đang đẩy mạnh phát triển hải quân.
Tình trạng chậm trễ không chỉ là vấn đề riêng lẻ của Columbia hay SSN(X). Theo GAO, toàn bộ ngành đóng tàu quân sự Mỹ hiện đang trong tình trạng “khủng hoảng liên tục”, với các vấn đề kéo dài về lực lượng lao động, năng lực sản xuất và chuỗi cung ứng.
Khoảng cách lớn giữa các chương trình thiết kế tàu ngầm từ Columbia đến SSN(X), được xác định là yếu tố gây áp lực lên năng lực công nghiệp. Khi một chương trình bị kéo dài, chương trình tiếp theo cũng phải trì hoãn theo vì thiếu hụt nhân lực và năng lực thiết kế kế thừa. Dù hải quân Mỹ đã đề xuất chi gần 623 triệu USD cho nghiên cứu phát triển SSN(X) trong ngân sách tài khóa 2026, nhưng khả năng khởi công đúng hạn vẫn còn bỏ ngỏ.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/my-chi-nhieu-ti-usd-phat-trien-sieu-tau-ngam-tan-cong-the-he-moi-234914.html