Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nội dung sắc lệnh, các nhà sản xuất thuốc có 30 ngày để điều chỉnh giá theo mục tiêu chính phủ đề ra. Nếu trong vòng 6 tháng kể từ khi sắc lệnh có hiệu lực mà các công ty không đạt “tiến triển đáng kể”, chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp tiếp theo để buộc giảm giá.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế với các công ty nếu giá thuốc tại Mỹ không tương đương với các quốc gia khác, đồng thời cho biết mục tiêu là cắt giảm giá thuốc từ 59% đến 90%.
Sắc lệnh cũng đề cập đến khả năng chính phủ sẽ sử dụng các quy định để áp đặt giá quốc tế nếu các công ty không tuân thủ, đồng thời xem xét biện pháp như nhập khẩu thuốc từ nước ngoài và áp dụng hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, sắc lệnh yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) tăng cường giám sát và xử lý các hành vi chống cạnh tranh trong ngành dược phẩm.
Ông cũng đề xuất áp dụng chính sách “Tối huệ quốc”, theo đó giá thuốc tại Mỹ sẽ được ấn định theo mức thấp nhất mà các quốc gia khác phải trả cho cùng loại dược phẩm.
Tuy nhiên, kế hoạch này ngay lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội từ ngành công nghiệp dược phẩm. Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm Mỹ (PhRMA) gọi đây là một "thỏa thuận tồi" đối với bệnh nhân Mỹ, cho rằng việc áp dụng giá ngoại nhập sẽ làm giảm hàng tỷ USD từ ngân sách chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare mà không đảm bảo cải thiện khả năng tiếp cận thuốc.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PhRMA, ông Stephen J. Ubl, cảnh báo rằng chính sách này có thể làm suy yếu đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước, đồng thời khiến Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Theo giới quan sát, sắc lệnh mới dự kiến chủ yếu ảnh hưởng đến các loại thuốc đắt tiền được Medicare chi trả, chẳng hạn như thuốc truyền trị ung thư, trong khi phần lớn các loại thuốc theo toa được mua tại hiệu thuốc sẽ không nằm trong phạm vi điều chỉnh. Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump Trump kỳ vọng kế hoạch này sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ USD ngân sách và góp phần hạ nhiệt chi phí y tế vốn bị chỉ trích là cao bất hợp lý tại Mỹ.
Thị trường có phản ứng thận trọng. Dù cổ phiếu ngành dược giảm nhẹ trước khi mở cửa phiên giao dịch, nhiều mã cổ phiếu đã phục hồi sau đó. Merck tăng 4,3%, Pfizer tăng 2,7% và Gilead Sciences tăng 4,7%, trong khi Eli Lilly giảm nhẹ.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng tiếp tục chỉ trích ngành dược phẩm, cáo buộc ngành này đổ toàn bộ chi phí R&D lên vai người dân Mỹ và có ảnh hưởng quá lớn thông qua vận động hành lang chính trị. Ông khẳng định các khoản đóng góp chiến dịch sẽ không thể tác động đến ông hay đảng Cộng hòa, đồng thời cam kết sẽ luôn “làm điều đúng đắn” vì người dân.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump nêu quyết tâm hạ giá thuốc. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông từng đưa ra đề xuất tương tự, song kế hoạch này không đạt được kết quả do sự phản đối từ các công ty dược phẩm.
Trước đó, vào tháng 4, Tổng thống Mỹ đã ký một sắc lệnh hành pháp trao thêm quyền cho các bang trong việc nhập khẩu thuốc giá rẻ từ nước ngoài và thúc đẩy cải thiện cơ chế đàm phán giá, nhằm giải quyết tình trạng giá thuốc cao tại thị trường nội địa./.
Linh Tô (TTXVN)