Mỹ chính thức lên tiếng về việc nối lại đàm phán hòa bình Ukraine–Nga tại Istanbul

Mỹ chính thức lên tiếng về việc nối lại đàm phán hòa bình Ukraine–Nga tại Istanbul
11 giờ trướcBài gốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce trong cuộc họp báo ở Washington, D.C., ngày 6/3/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Báo The Kyiv Post của Ukraine hôm 23/7 cho biết Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với vòng đàm phán hòa bình thứ ba giữa Ukraine và Liên bang Nga, dự kiến diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24/7.
Nếu được tổ chức, cuộc đàm phán này sẽ đánh dấu lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa hai quốc gia sau khoảng bảy tuần.
Mục tiêu của vòng đàm phán này, như tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodtmyr Zelensky ngày 21/7, theo kênh RT của Liên bang Nga, là nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo, như trao đổi tù binh chiến tranh mới và đàm phán về khả năng tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.
Trong khi đó, ngày 22/7, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết tại vòng đàm phán trực tiếp thứ ba sắp tới, Nga và Ukraine sẽ tập trung thảo luận dự thảo bản ghi nhớ về giải quyết xung đột mà hai bên đã trao đổi tại vòng hòa đàm trước đó.
Ông Peskov cũng cho rằng các chủ đề đàm phán khá phức tạp, đồng thời hy vọng vòng đàm phán mới giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra trong tuần này ngay khi Moskva sẵn sàng và sẽ thông báo thời gian cụ thể. Khi được hỏi về thời điểm có thể đạt được một thỏa thuận khả thi về giải quyết vấn đề Ukraine, ông Peskov cho biết điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce, xác nhận rằng Washington đã nắm được thông tin về các cuộc đàm phán sắp tới trong một cuộc họp báo vào chiều thứ Ba (22/7), theo giờ địa phương..
Trả lời câu hỏi của báo The Kyiv Post, bà Bruce cho biết Mỹ “tiếp tục khuyến khích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Liên bang Nga và Ukraine nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn toàn diện và cuối cùng là một thỏa thuận hòa bình thông qua đàm phán”.
Bà Bruce nhắc lại phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Matthew Whitaker, người trước đó trong tuần đã bày tỏ sự lạc quan với việc Liên bang Nga và Ukraine trở lại bàn đàm phán, nhấn mạnh rằng các cuộc đối thoại trực tiếp là “cách duy nhất để giải quyết cuộc chiến này”.
Ông Whitaker cho rằng tiến triển hiện tại là nhờ vào “sức ép mà Mỹ và Tổng thống Trump tiếp tục áp dụng”.
Phía Mỹ vẫn giữ quan điểm rằng “đối thoại thiện chí và mang tính xây dựng là con đường duy nhất để kết thúc chiến tranh” - một lập trường phù hợp với quan điểm của Ngoại trưởng Marco Rubio rằng chỉ các bên liên quan mới có thể chấm dứt chiến tranh.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai ủng hộ bất kỳ cơ chế nào dẫn đến một nền hòa bình “công bằng, bền vững và lâu dài”.
Hai vòng đàm phán trước đó tại Istanbul, lần lượt diễn ra vào ngày 16/5 và 2/6, đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân nhưng không mang lại tiến triển đáng kể nào đối với lệnh ngừng bắn.
Các điều kiện để Liên bang Nga chấp thuận ngừng bắn bao gồm: Ukraine phải giải giáp quân đội và chấp nhận việc Liên bang Nga sáp nhập bốn khu vực (Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson, đã sáp nhập vào Liên bang Nga năm 2022 sau khi trưng cầu dân ý các khu vực này) cùng với Bán đảo Crimea – những yêu sách mà Kiev và các đồng minh phương Tây kiên quyết bác bỏ.
Ngoài ra, theo kênh RT của Liên bang Nga tối 21/7, Liên bang Nga cũng yêu cầu Ukraine chấp nhận vị thế trung lập, không gia nhập bất kỳ liên minh hoặc khối quân sự nào như NATO, hạn chế quy mô lực lượng vũ trang, và cấm mọi tổ chức phát xít, tân phát xít cũng như tuyên truyền liên quan trong lãnh thổ Ukraine, cùng một số điều khoản khác.
Trong khi đó, bản ghi nhớ của Kiev kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện. Ukraine kiên quyết rằng họ sẽ không bị ép buộc duy trì trạng thái trung lập, bao gồm cả quyền lựa chọn gia nhập NATO, và yêu cầu các “bảo đảm an ninh mạnh mẽ” từ các quốc gia phương Tây.
Báo The Kyiv Post cho biết thêm thời điểm diễn ra cuộc đàm phán trùng với làn sóng kêu gọi hòa bình ngày càng tăng từ Tổng thống Trump.
Mỹ cũng vừa làm trung gian cho một thỏa thuận nhằm gửi thêm vũ khí cho Ukraine, lấy từ nguồn dự trữ của các đồng minh NATO ở châu Âu.
Vào ngày 14/7, ông Trump đã đưa ra cảnh báo với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, đe dọa áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Moskva và các quốc gia mua hàng xuất khẩu từ Liên bang Nga nếu không đạt được lệnh ngừng bắn trong vòng 50 ngày.
Bất chấp tối hậu thư này, Liên bang Nga vẫn không thay đổi các yêu cầu của mình và tiếp tục tấn công các thành phố Ukraine.
Khi được báo The Kyiv Post hỏi về đánh giá của Washington đối với các đợt tấn công hiện tại của Liên bang Nga, bà Bruce cảnh báo không nên vội vàng rút ra kết luận chỉ sau một tuần kể từ khi bắt đầu thời hạn mà ông Trump đưa ra.
Bà Bruce lưu ý rằng trong đàm phán ngoại giao, “mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh” và những thời hạn như vậy là “những cơ hội” mang tính tín hiệu về các phương án tiềm năng, chứ không phải là yếu tố quyết định duy nhất.
Bà Bruce nhấn mạnh thêm rằng ông Trump “không hài lòng với những gì đang xảy ra và các lựa chọn mà Liên bang Nga đang theo đuổi”. Dù Mỹ không tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, nhưng bà Bruce khẳng định Washington vẫn hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức đối thoại này.
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/my-chinh-thuc-len-tieng-ve-viec-noi-lai-dam-phan-hoa-binh-ukrainenga-tai-istanbul-20250723130943345.htm