Danh sách các mức thuế mới mà Mỹ áp với 14 nước theo thư thông báo của Tổng thống Trump (cột chữ màu đỏ), so với mức từng thông báo trước đó. Ảnh: New York Times
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội riêng của ông thông báo, các lá thư áp thuế đối ứng và thỏa thuận cho một số nước tiếp theo sẽ được sớm công bố.
Theo thông tin trong thư gửi đi, Mỹ tái áp dụng mức thuế đối ứng 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản (thâm hụt 69 tỷ USD), Hàn Quốc (66 tỷ USD), Malaysia (25 tỷ USD), Kazakhstan (1 tỷ USD) và Tunisia (610 triệu USD).
Trong danh sách còn có Lào và Myanmar bị áp 40% (thâm hụt 759 triệu USD và 581 triệu USD), Campuchia và Thái Lan 36% (12 tỷ USD và 46 tỷ USD), Bangladesh và Serbia 35% (6 tỷ USD và 615 triệu USD), Nam Phi và Bosnia 30% (9 tỷ USD và 122 triệu USD), và Indonesia 32% (18 tỷ USD).
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt công bố bức thư của ông Trump về thuế quan. Ảnh: Reuters
Trong thư, Tổng thống Trump cảnh báo nếu các nước phản ứng bằng cách tăng thuế nhập khẩu đối với hàng Mỹ, mức tăng đó sẽ được Mỹ cộng trực tiếp vào thuế Mỹ áp trên hàng hóa các nước đó. Tuy nhiên, phía Mỹ để ngỏ khả năng điều chỉnh các mức thuế công bố áp từ ngày 1.8 nếu các nước xóa bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan.
“Nếu bạn muốn mở các thị trường giao dịch trước đây bị đóng cửa đối với Mỹ và loại bỏ các chính sách thuế quan, phi thuế quan và rào cản thương mại, chúng tôi có thể sẽ xem xét điều chỉnh lá thư này” và “Mức thuế sẽ tùy thuộc vào mới quan hệ giữa Mỹ và từng nước, có thể tăng thêm hoặc giảm thêm’, trong thư ghi.
Các bức thư đều ghi các mức thuế chung này tách biệt với các mức thuế bổ sung theo ngành đối với các mặt hàng chiến lược. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết trong những ngày tới sẽ có thêm nhiều bức thư nữa được gửi đi.
Phía Mỹ cho hay, động thái này nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại kéo dài. Ngoài ra, các thư cũng cảnh báo nghiêm khắc về hành vi “trung chuyển để né thuế”, đặc biệt là từ Trung Quốc qua các nước ASEAN.
Mỹ đang có mức thâm hụt thương mại lớn với nhiều nước. Theo thống kê năm 2024, Mỹ ghi nhận thâm hụt 295,4 tỷ USD với Trung Quốc, 235,6 tỷ USD với liên minh châu Âu, 171,8 tỷ USD với Mexico, 123,5 tỷ USD với Việt Nam, 73,9 tỷ USD với Đài Loan, 63,3 tỷ USD với Canada và 45,7 tỷ USD với Ấn Độ.
Tính đến ngày 8.7, phía Mỹ đã công bố các mức thuế đối ứng đạt được hoặc chính thức áp đặt cho 17 đối tác, kể từ đầu tháng 4.2025 khi ông Trump công bố áp thuế với tất cả các nước có giao dịch thương mại với Mỹ. Trước đó, Mỹ công bố đã đạt được thỏa thuận với Anh, Trung Quốc và Việt Nam.
Đây là những công bố về quyết định khôi phục kế hoạch áp thuế đối ứng công bố ngày 2.4.2025, nhưng sau đó đã được lùi lại 90 ngày để đàm phán (với mức áp thuế chung 10% trong thời hạn đàm phán). Tuy nhiên, báo chí Mỹ cho hay, các quan chức Mỹ không có đủ thời gian để đàm phán song phương với từng nước trong thời hạn 90 ngày. Vì thế Mỹ chỉ chọn lựa đàm phán với một số đối tác nhất định, trong khi với một số đối tác khác, Mỹ sẽ áp đặt mức thuế nhất định sau 90 ngày. Cơ hội thương lượng tăng giảm có khả năng sẽ diễn ra sau này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump với cuốn tài liệu nói về các hàng rào thương mại đối với Mỹ. Ảnh: Reuters
Chiều 7.7, Tổng thống Trump cũng ký sắc lệnh hành pháp hoãn thời hạn áp thuế từ ngày 9.7 sang ngày 1.8, quyết định được đưa ra “dựa trên thông tin bổ sung và khuyến nghị từ nhiều quan chức cấp cao khác nhau”.
Ngày 3.7, Mỹ cũng công bố một thỏa thuận với Việt Nam, sẽ áp 20% với hàng Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ và 40% với hàng ‘trung chuyển’ qua Việt Nam sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cho hay đã bớt áp lực hơn sau khi Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận bước đầu, vì đã biết mức thuế áp cho hàng Việt Nam và hàng “trung chuyển” để kịp thời ứng phó, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Trả lời phóng viên Người Đô Thị, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xác nhận, các thành viên đang chờ đợi những thông báo chi tiết hơn sau ngày 9.7 để lên kế hoạch cho chiến lược kinh doanh nhưng cho biết tình hình lạc quan khi hai bên đã bước đầu đạt được thỏa thuận.
Trong khi đó đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) thì cho hay, nhiều thành viên xuất khẩu đã chủ động làm việc với đối tác tại Mỹ để cùng “chia sẻ” gánh nặng về thuế quan nếu hàng hóa bị áp 20%. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp báo cáo đơn hàng gia tăng, và tình hình vẫn khả quan trong nửa sau của năm, nhưng chắc chắn lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. “Các doanh nghiệp đang cắt giảm tối đa chi phí nhằm bù đắp phần lợi nhuận bị thiếu hụt,” ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA, cho hay.
Nhiều nhà quan sát cho biết, mức thuế áp cho hàng hóa “trung chuyển” sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam bởi khả năng sẽ có làn sóng nhập khẩu nguyên vật liệu hay các phần rời về sản xuất hoặc lắp ráp tại Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tự tìm các đối tác từ các thị trường khác để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump thắng cử. “Lâu nay, chúng tôi đã tập trung vào thị trường châu Âu và Nhật Bản nên về cơ bản mức thuế của Mỹ áp trên hàng hóa dệt may của Việt Nam cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến công ty,” bà Nguyễn Thị Điền, người sáng lập công ty may An Phước chia sẽ với phóng viên Người Đô Thị.
Lan Chi