Ảnh tư liệu: Toàn cảnh Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ (DNC) khai mạc tại thành phố Chicago, bang Illinois, miền Trung Tây nước Mỹ. Ảnh: Kiều Trang PVTTXVN từ Chicago, bang Illinois, Mỹ
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Ủy ban Toàn quốc Dân chủ (DNC) đã thông báo với các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ rằng từ tháng 1/2025 sẽ tổ chức bốn diễn đàn về ứng cử viên, trực tiếp và trực tuyến, với cuộc bầu cử cuối cùng sẽ được tiến hành vào ngày 1/2/2025. Ngoài vị trí chủ tịch, đảng này cũng sẽ bầu ra các vị trí lãnh đạo khác như phó chủ tịch, thủ quỹ, thư ký và chủ tịch tài chính quốc gia.
Dự kiến, các thành viên của Ủy ban Quy định & Điều lệ sẽ họp vào ngày 12/12 để thiết lập các quy tắc cho các cuộc bầu cử này, đặc biệt là điều kiện để được tham gia ứng cử. Năm 2021, các ứng cử viên được yêu cầu nộp một tuyên bố đề cử bao gồm chữ ký của 40 thành viên DNC và có khả năng tiêu chuẩn tương tự sẽ được áp dụng trong năm 2025.
Việc đảng Dân chủ lựa chọn một nhà lãnh đạo sau thất bại của Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ là điểm khởi đầu quan trọng. Chủ tịch tiếp theo của ủy ban sẽ lãnh nhiệm vụ xây dựng lại tinh thần cho đảng đồng thời giám sát quá trình đề cử năm 2028 của đảng, một hoạt động phức tạp và gây tranh cãi. Theo tuyên bố, DNC cam kết tiến hành một cuộc bầu cử minh bạch, công bằng và vô tư cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo để dẫn dắt đảng tiến lên phía trước.
Hiện có 2 đảng viên Dân chủ đã tuyên bố tranh cử chức chủ tịch là ông Ken Martin, Phó Chủ tịch DNC và ông Martin O'Malley, cựu Thống đốc bang Maryland và hiện là ủy viên của Cơ quan An sinh Xã hội.
Những đảng viên Dân chủ hàng đầu khác cũng đang cân nhắc chạy đua để kế nhiệm ông Harrison bao gồm cựu Dân biểu Texas Beto O'Rourke, cựu Phó Chủ tịch đảng Michael Blake; Chủ tịch đảng Dân chủ Wisconsin Ben Wikler; Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel, Thượng nghị sĩ Mallory McMorrow và Chuck Rocha, một chiến lược gia lâu năm của đảng Dân chủ.
Kiều Trang/TTXVN