Lý do cốt lõi
Sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao không mang lại kết quả đột phá, Mỹ đã công bố một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của mình đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine vốn đã bước sang năm thứ tư.
Cụ thể, Washington cho biết sẽ không còn đóng vai trò trung gian tích cực, "bay vòng quanh thế giới" để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Phía Mỹ nhấn mạnh vẫn tiếp tục theo đuổi các nỗ lực hòa bình ở Ukraine nhưng bây giờ là thời điểm để hai bên có những ý tưởng cụ thể về cách chấm dứt cuộc xung đột. Thông báo của Mỹ cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước tình hình bế tắc hiện tại.
Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: ABC News
Sự thay đổi này diễn ra sau nhiều tháng Mỹ tăng cường các nỗ lực ngoại giao, bao gồm việc đàm phán các đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày và lệnh ngừng bắn một phần nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự. Thậm chí, phía Mỹ còn tổ chức hội đàm với các quan chức Nga tại Saudi Arabia, một động thái gây ra không ít lo ngại cho Ukraine và các đồng minh châu Âu, những người lo sợ bị gạt ra ngoài tiến trình hòa bình.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Washington dường như đều vấp phải sự trì hoãn hoặc bác bỏ từ các bên liên quan. Trong khi đó, giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, làm trầm trọng thêm tình hình.
Sự thay đổi chính sách này cũng phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng của Tổng thống Trump, người từng tự tin tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine "trong vòng một ngày". Phát biểu vào ngày 18/4, ông Trump không ngần ngại bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn và tuyên bố nếu một trong hai bên gây khó khăn thì Mỹ sẽ từ bỏ. Phó Tổng thống Mỹ James Vance cũng chia sẻ sự mất kiên nhẫn của Mỹ khi cho rằng cuộc xung đột khó có thể kết thúc "sớm.
Như vậy, có thể thấy rõ sự chuyển dịch trong chiến lược của Mỹ. Thay vì chủ động tìm kiếm và thúc đẩy các cuộc đàm phán, Washington giờ đây dường như muốn đặt trách nhiệm trực tiếp lên vai Nga và Ukraine trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột. Mỹ vẫn khẳng định cam kết theo đuổi các nỗ lực hòa bình, nhưng vai trò trung gian tích cực sẽ được thu hẹp đáng kể.
Thách thức lớn nhất
Từ góc độ phân tích của một số nhà quan sát, chính quyền Tổng thống Trump hiện tại có 3 lựa chọn sau tuyên bố dọa từ bỏ nỗ lực trung gian đàm phán.
Lựa chọn đầu tiên là theo đuổi kế hoạch như ban đầu nhưng với các điều khoản nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, điều này có vẻ bất khả thi bởi cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng nhượng bộ. Đối với những người phản đối Nga ở Washington, đây sẽ là hướng đi tồi tệ nhất mà ông Trump có thể thực hiện vì hoàn toàn có khả năng ông sẽ đáp ứng một số yêu cầu cốt lõi của Nga. Nó cũng sẽ gây ra một loạt vấn đề giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, những người sẽ lên tiếng phản đối một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Nga.
Lựa chọn thứ hai mà ông Trump có thể thực hiện là đình chỉ các cuộc đàm phán và siết lệnh trừng phạt đối với Nga. Vào tháng 3, ông đã dọa áp thuế quan thứ cấp đối với dầu mỏ của Nga nếu không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột Ukraine. Tuy nhiên, dù đã gia hạn các lệnh trừng phạt, ông Trump hiện vẫn chưa có động thái nào để tăng cường các lệnh trừng phạt Nga.
Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên Mỹ về Nga và Ukraine Keith Kellogg được cho là đã thúc đẩy một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Nga, nhưng ông Steve Witkoff phản đối. Trong mọi trường hợp, sẽ rất khó để Tổng thống Trump tăng đáng kể các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với Nga vì ông đã áp đặt mức thuế 145% đối với nước nhập khẩu năng lượng hàng đầu của Nga là Trung Quốc.
Cách hiệu quả hơn nhiều sẽ là tiếp tục viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine bởi chỉ khi tin rằng Ukraine có thể chiến đấu vô thời hạn và thành công thì Nga mới thực sự sẵn sàng đàm phán. Tuy vậy, nguồn viện trợ của Mỹ sẽ sớm lâm vào tình trạng báo động. Khi này, chính quyền sẽ cần quốc hội duyệt gói viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD khác, tương tự những gì chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã làm trong nhiệm kỳ của mình, và về cơ bản, điều đó đi ngược lại khẩu hiệu khi tranh cử của ông Trump.
Lựa chọn thứ ba của ông Trump có thể là từ bỏ hoàn toàn và giao lại vấn đề Ukraine cho châu Âu. Có ý kiến cho rằng, việc để Ukraine và châu Âu tự quyết sẽ tốt hơn là ép buộc Ukraine ký một thỏa thuận hòa bình mà họ phải chịu bất lợi. Về mặt chiến lược, điều này sẽ đặt châu Âu vào thế khó để chứng minh rằng họ có thể đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Hiện tại, các nỗ lực ngoại giao của Mỹ không có nhiều tác dụng và Mỹ sẽ phải chuẩn bị cho một giải pháp khác và tôi cho rằng sẽ sớm được công bố trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang ngày càng mất kiên nhẫn và thất vọng với tiến triển hiện nay.
Trong những tuần tới, các bước đi tiếp theo của Nhà Trắng sẽ cho thấy rõ hơn chiến lược thực sự của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine. Mỹ có thể tìm kiếm một hình thức can dự khác, ít sự hiện diện hơn nhưng vẫn mang tính ảnh hưởng, hoặc đơn giản là chấp nhận thực tế rằng đây không phải là “cuộc chiến của nước Mỹ” và chuyển trọng tâm sang những ưu tiên chiến lược khác.
Phạm Huân/VOV-Washington