Ảnh minh họa. Nguồn: Wikipedia
Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, phim ảnh tiếp tục sẽ là một mặt hàng nữa chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.
Trong một bài đăng buổi tối trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã ủy quyền cho Đại diện Thương mại Mỹ đặt mức thuế 100% đối với các bộ phim được sản xuất bên ngoài Mỹ và nhập khẩu vào Mỹ.
Động thái này diễn ra trước lo ngại ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đang "suy yếu quá nhanh" trong khi các nước khác đang triển khai hàng loạt các chính sách ưu đãi để thu hút các nhà làm phim và hãng phim rời khỏi nước Mỹ.
“Các quốc gia khác hiện cung cấp tất cả các loại ưu đãi để thu hút các nhà làm phim và hãng phim của chúng tôi ra khỏi Mỹ. Vì vậy, tôi ủy quyền cho Đại diện Thương mại Mỹ, ngay lập tức tiến trình thiết lập thuế suất 100% đối với bất kỳ và toàn bộ phim nhập khẩu. Chúng tôi muốn các bộ phim được sản xuất tại Mỹ”, ông Trump viết.
Ông Trump cũng nhấn mạnh “Hollywood và nhiều khu vực khác ở Mỹ, đang bị tàn phá”, khẳng định tình trạng này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Với những nội dung trên, giới quan sát cho rằng, một lần nữa, Tổng thống Mỹ đương nhiệm đang coi thuế nhập khẩu là công cụ cần thiết để vực dậy nền kinh tế Mỹ.
Trong hơn 20 năm qua, nhiều hãng phim lớn của Mỹ đã chuyển địa điểm sản xuất sang các quốc gia có chi phí thấp hơn như Canada, Anh, Bulgaria, New Zealand, Australia,…
Những nước này đưa ra nhiều ưu đãi thuế để thu hút sản xuất, phát triển kinh tế địa phương và cạnh tranh trực tiếp với Hollywood.
Điều này đã gây ra sự sụt giảm đáng kể về sản lượng phim và các vị trí việc làm trong những năm gần đây tại Los Angeles, trung tâm công nghiệp điện ảnh tại Mỹ.
Một số ý kiến cho rằng, phim là sở hữu trí tuệ, không phải hàng hóa, vì vậy chúng đại diện cho một loại dịch vụ hiện không phải chịu thuế quan. Mặc dù vậy, một số dịch vụ vẫn phải phải tuân theo các rào cản thương mại phi thuế quan nhất định, chẳng hạn như các quy định và ưu đãi thuế.
Doanh thu phòng vé tại Mỹ giảm
Một số thành phố nước ngoài đã cung cấp các khoản giảm thuế lớn cho các hãng phim của Mỹ. Điều đó đã dẫn đến một số lượng lớn các nhà sản xuất phim chuyển hoạt động sang những nơi như Toronto và Dublin.
Kể từ đại dịch Covid-19, số lượng người xem phim tại rạp ở Mỹ đã giảm đáng kể. Người tiêu dùng có thói quen xem trên nền tảng phát trực tuyến tại nhà.
Doanh thu phòng vé nội địa từng đạt gần 12 tỷ USD năm 2018 nhưng giảm còn hơn 2 tỷ USD vào năm 2020. Từ đó đến nay, doanh thu chưa lần nào vượt mốc 9 tỷ USD.
Ngoại trừ Netflix, hầu hết các nền tảng trực tuyến do các hãng phim lớn của Hollywood sở hữu, đều mất nhiều năm để bắt đầu có lãi.
Cụ thể, Disney+ và Max chỉ mới báo lãi gần đây, còn nhiều dịch vụ khác vẫn đang thua lỗ.
Các nhà quan sát cho rằng việc áp đặt thuế quan hoặc các rào cản thương mại khác đối với các sản phẩm sản xuất nước ngoài có thể không làm cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn cho Hollywood Studios. Hiện nhiều bộ phim và chương trình Mỹ được quay tại địa điểm bên ngoài Mỹ.
Theo FilmLA, một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi hoạt động sản xuất của khu vực, sản lượng phim và truyền hình ở Los Angeles đã giảm gần 40% trong thập niên qua.
Các hãng phim Hollywood từng mong muốn Trung Quốc, thị trường phim lớn thứ hai thế giới, có thể góp phần thúc đẩy doanh thu phòng vé của phim.
Tuy nhiên, thị trường phim trong nước ở Trung Quốc ngày càng vượt trội hơn so với phim Hollywood.
Cụ thể là bộ phim hoạt hình "Na Tra 2" năm nay đã vượt qua "Inside Out 2" của Pixar để trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Phim Hollywood chỉ chiếm 5% tổng doanh thu phòng vé tại thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo báo The Guardian, các biện pháp thuế quan sẽ “giáng đòn mạnh” vào các hãng phim phương Tây, đặc biệt là tập đoàn Walt Disney, Paramount Global và Warner Bros Discovery Inc - vốn vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Hiện vẫn chưa rõ các tác động cụ thể đối với ngành công nghiệp điện ảnh, cũng như cách thức thực thi các mức thuế này sẽ ra sao.
Nhiều lãnh đạo trong ngành điện ảnh tỏ ra bất ngờ trước tuyên bố của ông Trump, và đặt ra những câu hỏi về liệu một bộ phim - với các công đoạn sản xuất phân tán ở nhiều quốc gia và hậu kỳ thường thực hiện tại Mỹ - có thể bị đánh thuế như một món hàng hóa đơn lẻ hay không.
Trong bài viết đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social ngày 4.5, Tổng thống Trump cũng không đề cập gì đến các loạt phim truyền hình - một lĩnh vực ngày càng phổ biến và mang lại lợi nhuận lớn trong ngành sản xuất nội dung.
HỒNG NHUNG