Mỹ đánh thuế cả lãnh thổ hải ngoại của Australia, nơi chỉ có chim cánh cụt và hải cẩu

Mỹ đánh thuế cả lãnh thổ hải ngoại của Australia, nơi chỉ có chim cánh cụt và hải cẩu
2 giờ trướcBài gốc
Australia nằm trong danh sách các quốc gia bị đánh thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng vào ngày 2/4. Điều này không chỉ khiến Australia không hài lòng do hai nước đã có hiệp định thương mại tự do và từ ngày 5/4, hàng hóa của Australia xuất khẩu sang Mỹ vẫn phải chịu mức thuế 10%, còn khiến nước này bất ngờ khi một số vùng lãnh thổ hải ngoại bị tách riêng để áp dụng với cùng mức thuế hoặc mức thuế cao hơn.
Theo đó, các vùng lãnh thổ hải ngoại của Australia gồm đảo Norfolk, đảo Heard, đảo McDonald, đảo Cocos, đảo Giáng sinh đã bị tách riêng khỏi Australia, phải chịu mức thuế 10% giống như Australia hoặc có đảo phải chịu mức thuế cao hơn như đảo Norfolk với mức thuế lên tới 29%.
Bản đồ một số vùng lãnh thổ hải ngoại của Australia - Ảnh chụp màn hình
Động thái này khiến cho Australia ngạc nhiên. Thứ nhất là việc tách các vùng lãnh thổ hải ngoại của Australia ra riêng, làm cho chính quyền và dư luận Australia không khỏi thắc mắc về lý do của việc làm này và đặt câu hỏi rằng liệu đây có phải là sự sai sót của công nghệ?
Theo truyền thông Australia, khi sử dụng trí tuệ nhân tạo để quét các thông tin về giao dịch thương mại trên toàn cầu, đã xuất hiện mức thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu từ đảo Heard đến một số quốc gia khác trên thế giới, như Canada và Hy Lạp. Còn số liệu được trích từ nguồn của Ngân hàng Thế giới còn cho thấy, Mỹ nhập khẩu lượng thiết bị giao thông trị giá hơn 2,2 triệu AUD từ Đảo Heard và McDonald.
Từ những thông tin này truyền thông Australia dự đoán, việc đưa một số vùng lãnh thổ hải ngoại của Australia vào danh sách chịu thuế đối ứng của Mỹ được đưa ra dựa trên kết quả của việc sử dụng công nghệ, song thông tin này lại không chính xác.
Điều thứ hai khiến Australia ngạc nhiên, đó là việc Mỹ đánh giá về sự cạnh tranh của các đảo này đối với nền kinh tế Mỹ, trong đó bao gồm cả những đảo hoàn toàn không có người sinh sống như Đảo Heard và Đảo McDonald. Hai đảo này nằm gần Nam Cực và là nơi sinh sống của chim cánh cụt và hải cẩu. Hai đảo này được cho là hai trong những vùng xa xôi nhất của thế giới, chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền với chuyến đi kéo dài 2 tuần kể từ thành phố Perth nằm ở bờ Tây của Australia. Truyền thông Australia cho rằng, chuyến thăm gần nhất đến hai đảo này của con người là cách đây 10 năm. Mặc dù vậy nhưng Mỹ vẫn đưa hai đảo này vào danh sách phải chịu mức thuế 10%.
Chim cánh cụt trên Đảo Heard - Ảnh: Matt Curnock
Với 3 đảo còn lại là đảo Cocos, đảo Giáng sinh và đảo Norfolk tuy có người sinh sống nhưng đều là những nơi có diện tích rất nhỏ, không thể được coi là có thể cạnh tranh với nền kinh tế Mỹ. Đặc biệt với đảo Norfolk, nơi có 2.188 người sinh sống và bị Mỹ áp mức thuế đối ứng là 29%. Mặc dù số liệu của Cơ quan quan sát kinh tế cho thấy vào năm 2023 đảo này xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá hơn 1 triệu AUD, trong đó hơn 650.000 AUD là sản phẩm da giày, nhưng trên thực tế chính quyền của đảo này cho rằng họ không xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và cũng không đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào đây.
Chính vì Mỹ đưa những vùng lãnh thổ hải ngoại này của Australia vào trong danh sách phải chịu thuế đối ứng, nên Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã cho rằng không có nơi nào trên trái đất không bị ảnh hưởng bởi chính sách này.
Việt Nga/VOV-Australia
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/my-danh-thue-ca-lanh-tho-hai-ngoai-cua-australia-noi-chi-co-chim-canh-cut-va-hai-cau-post1189554.vov