Theo Bloomberg, Mỹ đã đề xuất một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, bao gồm đề xuất về một lộ trình chấm dứt xung đột, cũng như nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, trong trường hợp đạt được lệnh ngừng bắn bền vững.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 18/4 cảnh báo, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn sàng “chấm dứt” nỗ lực hòa giải nếu tiến trình đàm phán không đạt được bước tiến rõ rệt trong thời gian tới. Tuy nhiên, phát biểu cùng ngày tại Rome, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho biết ông vẫn “lạc quan” về triển vọng kết thúc xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Yuri Ushakov, trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio bên lề cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2/2025. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga
Theo các quan chức châu Âu am hiểu tình hình, kế hoạch của Mỹ đã được chia sẻ tại các cuộc họp ở Paris, Pháp ngày 17/4. Đề xuất này dự kiến sẽ “đóng băng” xung đột, trong đó các vùng lãnh thổ Ukraine hiện do Nga kiểm soát sẽ tiếp tục thuộc quyền kiểm soát của Moscow. Đồng thời, nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine cũng sẽ bị loại khỏi bàn đàm phán.
Chi tiết cụ thể của đề xuất vẫn được giữ kín do tính nhạy cảm của cuộc thảo luận.
Cuộc gặp tại Paris có sự tham dự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff, cùng các cố vấn an ninh và nhà đàm phán từ Pháp, Đức, Anh và Ukraine.
Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, Washington kỳ vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện trong vài tuần tới. Các bên sẽ tiếp tục nhóm họp tại London vào tuần sau để tiếp tục thảo luận.
Một quan chức châu Âu nhấn mạnh, kế hoạch hiện tại vẫn cần được Ukraine cân nhắc và chưa thể coi là một giải pháp toàn diện. Đồng thời, các nước châu Âu cũng sẽ không công nhận các vùng lãnh thổ Ukraine hiện do Nga kiểm soát là thuộc về Nga.
Các quan chức cảnh báo, nếu Điện Kremlin không thể hiện thiện chí chấm dứt xung đột, mọi nỗ lực đàm phán hiện tại sẽ trở nên vô nghĩa. Các đảm bảo an ninh cho Ukraine được xem là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính bền vững của bất kỳ thỏa thuận nào.
Trong phát biểu ngày 18/4, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho biết việc Ukraine yêu cầu đảm bảo an ninh là “hoàn toàn chính đáng”, nhưng đến nay các cuộc đàm phán vẫn chưa đi vào chi tiết cụ thể.
“Mọi quốc gia có chủ quyền đều có quyền tự vệ. Ukraine cũng có quyền tự vệ và ký kết các thỏa thuận song phương với bất kỳ quốc gia nào”, ông Rubio nói.
Phát biểu khi rời Paris, Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông hy vọng Anh, Pháp và Đức sẽ góp phần “thúc đẩy tiến trình” đàm phán, song cũng cảnh báo rằng sự kiên nhẫn của Mỹ đang cạn dần.
“Chúng tôi không thể tiếp tục kéo dài nỗ lực này hàng tuần hay hàng tháng. Chúng tôi cần biết trong vài ngày tới liệu điều này có thể đạt được trong vài tuần tới hay không. Nếu được, chúng tôi sẽ tiếp tục. Nếu không, chúng tôi sẽ ưu tiên những vấn đề khác”, ông Rubio nói.
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ trừng phạt trong khi Nga vẫn đang kiểm soát một phần lớn lãnh thổ Ukraine có thể vấp phải phản đối từ một số đồng minh của Kiev. Bất kỳ quyết định nào về việc gỡ bỏ trừng phạt của Liên minh châu Âu, bao gồm việc giải phóng tài sản Nga bị đóng băng, đều cần sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.
Nga cũng đặt điều kiện ngừng bắn là Mỹ và phương Tây phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow, đồng thời chấm dứt viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Bloomberg