Hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs ghi nhận vào ngày 1/4 cho thấy 6 máy bay B-2 của Mỹ đỗ trên đường băng tại Diego Garcia, cùng với nhiều máy bay hỗ trợ khác. Đây là một căn cứ chiến lược của Mỹ và Anh, cách bờ biển Iran khoảng 3.900 km, đủ xa để tránh bị tấn công nhưng vẫn nằm trong phạm vi triển khai nhanh đến Trung Đông.
4 máy bay ném bom B-2 của Không quân Mỹ trên đường dốc (từ giữa xuống dưới bên phải) ở căn cứ không quân chung giữa Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Ảnh: Planet Labs
Cùng với B-2, Lầu Năm Góc cũng ra lệnh triển khai thêm các máy bay chiến đấu và phương tiện không quân khác đến khu vực nhằm củng cố thế trận phòng thủ. Theo phát ngôn viên Sean Parnell, "Mỹ và các đồng minh cam kết bảo vệ an ninh khu vực và sẽ đáp trả mọi nỗ lực leo thang xung đột".
Ngoài ra, tàu sân bay USS Harry S. Truman – vốn được triển khai không kích Houthi – sẽ tiếp tục ở lại khu vực Trung Đông trong tháng này thay vì rút về như kế hoạch ban đầu. Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, sau khi hoàn tất nhiệm vụ tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng sẽ di chuyển đến Trung Đông để tăng cường sức mạnh răn đe.
Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Không quân Mỹ. Ảnh: Trung sĩ Anthony Hetlage/Không quân Mỹ
Nhà phân tích quân sự Cedric Leighton nhận định rằng việc triển khai B-2 là một tín hiệu cứng rắn đến Iran. Ông cho rằng Mỹ muốn cảnh báo Iran về hậu quả nếu nước này tiếp tục hỗ trợ Houthi hoặc không chịu ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ cho Iran hai tháng để đạt được thỏa thuận hạt nhân mới, nếu không sẽ đối mặt với hậu quả. Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào.
Việc điều động tới 6 máy bay B-2 cho thấy đây không chỉ là một sứ mệnh tấn công nhỏ lẻ. Nhà phân tích hàng không quân sự Peter Layton lưu ý rằng B-2 có thể mang theo bom xuyên phá 30.000 pound – loại vũ khí có thể phá hủy các hầm trú ẩn và cơ sở hạt nhân ngầm của Iran.
Ngọc Ánh (theo The War Zone, CNN)