Bà Karoline Leavitt, Thư ký báo chí của Nhà Trắng, tại họp báo ngày 8/4 (giờ Mỹ). Ảnh: Reuters.
Khi thời hạn áp thuế đối ứng đang đến gần (9/5), Nhà Trắng đã tổ chức họp báo ở Washington. Thư ký báo chí Karoline Leavitt cho biết đã có gần 70 quốc gia liên hệ với ông Trump để bắt đầu đàm phán, theo Reuters.
"Các quốc gia đang nỗ lực cải cách những hoạt động thương mại không công bằng của họ và mở cửa thị trường cho đất nước chúng tôi", Leavitt nói.
Bà cho biết thêm ông Trump đã gặp nhóm cố vấn thương mại vào ngày 8/4 và yêu cầu xây dựng các thỏa thuận "được thiết kế riêng" cho từng quốc gia có điện đàm với chính quyền Mỹ.
Đáng chú ý, phát ngôn viên của Nhà Trắng đồng thời ám chỉ thỏa thuận riêng với từng đối tác thương mại có thể bao gồm cả viện trợ nước ngoài và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các quốc gia này.
Riêng với trường hợp của Trung Quốc, bà Leavitt nhiều lần nhấn mạnh về sự cứng rắn của ông Trump. "Các quốc gia như Trung Quốc - chọn cách trả đũa và cố gắng tăng gấp đôi sự đối xử tệ bạc của họ đối với người lao động Mỹ - đang phạm phải sai lầm", bà khẳng định.
"Đó là lý do mức thuế 104% sẽ có hiệu lực với Trung Quốc vào đêm nay (0h ngày 9/4 theo giờ Mỹ - PV)", bà Leavitt nói thêm sau đó.
Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng, ông Trump tin rằng Trung Quốc "muốn đạt được thỏa thuận, chỉ là không biết làm thế nào để bắt đầu". "Nếu Trung Quốc đưa ra thỏa thuận, ông Trump sẽ vô cùng tử tế, nhưng ông ấy sẽ làm những gì tốt nhất cho người dân Mỹ", bà Leavitt chia sẻ.
Trước cuộc họp báo này, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ đã phát thông báo, cho biết các mức thuế đối ứng sẽ chính thức có hiệu lực từ 0h01 ngày 9/4 theo giờ miền Đông (tức 11h01 giờ Việt Nam).
Thông báo nêu rõ hàng hóa từ 83 quốc gia sẽ phải chịu mức thuế từ 11% đến 50%, thay vì 10%. Đơn cử, hàng hóa từ Hong Kong, Macau, Trung Quốc sẽ bị áp thuế 34%; Liên minh châu Âu (EU) chịu mức 20%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 25%, Việt Nam 46%...
Doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải báo cáo các loại thuế quan cụ thể theo Chương 99 của Biểu thuế quan hài hòa. Đối với những sản phẩm có ít nhất 20% giá trị xuất xứ từ Mỹ, phần giá trị đó sẽ không phải chịu thuế quan đối ứng.
Tại họp báo ngày 8/4, bà Leavitt khẳng định: "Ông Trump tin rằng nước Mỹ phải có khả năng sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho người dân và xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới".
Khi được hỏi rằng liệu hoạt động sản xuất iPhone có thể chuyển đến Mỹ hay không, Thư ký báo chí Nhà Trắng nói: "Chắc chắn rồi. Ông Trump tin rằng chúng ta có nhân công, chúng ta có lực lượng lao động, chúng ta có nguồn lực để thực hiện".
Bà Leavitt cũng nhấn mạnh Apple đã đầu tư 500 tỷ USD tại Mỹ. "Nếu Apple không nghĩ rằng Mỹ có thể làm được, có lẽ họ đã không đầu tư số tiền lớn như vậy", bà nói.
Thực tế, hồi tháng 2, Apple cho biết sẽ đầu tư 500 tỷ USD trong 4 năm, bao gồm mua hàng từ các nhà cung cấp của Mỹ cũng như quay phim tại Mỹ cho dịch vụ Apple TV+. Tuy nhiên, nhà "táo khuyết" từ chối tiết lộ ngân sách cho các nhà máy sản xuất tại quốc gia này.
Lan Anh