Mỹ, Đức đấu khẩu sau khi Berlin liệt đảng AfD vào diện 'cực đoan'

Mỹ, Đức đấu khẩu sau khi Berlin liệt đảng AfD vào diện 'cực đoan'
14 giờ trướcBài gốc
Bộ Ngoại giao Đức và một số quan chức hàng đầu tại Mỹ hôm 2-5 đã đấu khẩu với nhau trên mạng xã hội X sau khi giới chức Berlin liệt đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vào diện “cực đoan cánh hữu”, đài CNN đưa tin.
Quyết định cuối cùng sau 3 năm giám sát gắt gao AfD
Ngày 2-5, Cục Bảo vệ Hiến pháp (BfV) – cơ quan tình báo nội địa của Đức – đã chính thức liệt AfD vào diện tổ chức cực đoan cánh hữu gây ra mối đe dọa đối với nền dân chủ và trật tự hiến pháp.
Trước đó, trong các phán quyết vào tháng 3-2022 và tháng 5-2024, AfD đã bị “nghi ngờ” là tổ chức cực đoan cánh hữu. Theo quyết định ngày 2-5, BfV “xác nhận” các dấu hiệu cực đoan cánh hữu của AfD.
Hai đồng chủ tịch của AfD là bà Alice Weidel (phải) và ông Tino Chrupalla (trái) đã chỉ trích quyết định của BfV liệt AfD vào danh sách tổ chức cực đoan cánh hữu. Ảnh: DPA
BfV cáo buộc AfD có lập trường bài ngoại trên cơ sở phân biệt sắc tộc, muốn “loại trừ một số nhóm dân cư khỏi hoạt động tham gia bình đẳng vào xã hội” và thi hành phân biệt đối xử với những người không thuộc dân tộc Đức.
Đây là quyết định được đưa ra sau 3 năm BfV giám sát gắt gao AfD để xác định liệu các hành động của đảng có “phù hợp với các nguyên tắc cơ bản cốt lõi của Hiến pháp Đức” hay không.
Ở Đức, việc bị liệt vào nhóm cực đoan cánh hữu có ý nghĩa chính trị quan trọng. BfV mô tả “những người cực đoan cánh hữu cho rằng việc thuộc về một nhóm dân tộc hay quốc gia nào đó quyết định giá trị của một người” và nhấn mạnh rằng các giá trị cực đoan cánh hữu “hoàn toàn trái ngược” với Hiến pháp Đức.
Hai đồng chủ tịch của AfD là bà Alice Weidel và ông Tino Chrupalla đã ra tuyên bố chung, cáo buộc quyết định của BfV “có động cơ chính trị” và thể hiện quyết tâm tiếp tục “tự bảo vệ mình về mặt pháp lý” trước những lời “phỉ báng” nhắm vào AfD.
Đáp lại, Bộ trưởng Nội vụ Đức – bà Nancy Faeser cho rằng quyết định của BfD là “rõ ràng và không nhầm lẫn”, dựa trên cơ sở là 1.100 trang tài liệu tổng hợp được sau cuộc điều tra “toàn diện và trung lập” và không chịu tác động về mặt chính trị.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz – người sắp kết thúc nhiệm kỳ ngay giữa tuần sau – kêu gọi giới chức Berlin “không thể vội vàng” loại AfD ra khỏi vòng pháp luật.
Ông Scholz cũng cảnh báo về các hệ quả pháp lý của một lệnh cấm tiềm tàng chống lại AfD.
Bị Mỹ cáo buộc hành động kiểu 'chuyên chế trá hình', Đức phản bác
Liên quan tới quyết định của BfV, trong một bài đăng trên X vào chiều 2-5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cáo buộc “Đức vừa trao cho cơ quan tình báo của mình những quyền hạn mới để giám sát phe đối lập”.
Ông Rubio cáo buộc rằng “đó không phải là dân chủ, mà là chế độ chuyên chế trá hình” và kêu gọi “Đức nên đảo ngược tiến trình này”.
Ông Rubio cũng nhắc lại việc AfD là đảng đã về thứ hai trong cuộc bầu cử gần nhất ở Đức.
Phản bác lại cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ, Bộ Ngoại giao Đức viết: “Đây là nền dân chủ. Quyết định này là kết quả của một cuộc điều tra toàn diện và độc lập nhằm bảo vệ hiến pháp và pháp quyền của chúng tôi. Tòa án độc lập sẽ là bên có tiếng nói cuối cùng. Chúng tôi đã học được từ lịch sử rằng chủ nghĩa cực đoan cánh hữu cần phải bị ngăn chặn".
Vài phút sau, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã đăng lại bài viết của Ngoại trưởng Rubio, cho rằng “AfD là đảng được ưa chuộng nhất ở Đức” và đang là đại diện cho khu vực phía đông của quốc gia châu Âu này.
Ông Vance cho rằng cái mà ông cho là “nỗ lực phá hủy” AfD không khác gì việc giới chức Đức đang xây dựng lại “Bức tường Berlin” – biểu tượng của sự chia rẽ của nước này trong Chiến tranh Lạnh.
Đây không phải lần đầu tiên Phó Tổng thống Vance chỉ trích Đức vì các quyết định liên quan AfD.
Hồi tháng 2, ngay tại Munich (Đức), ông Vance đã cáo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu đang “thu hẹp” quyền tự do ngôn luận khi hạn chế hoạt động của các đảng bị coi là cực đoan cánh hữu như AfD (Đức) hay đảng Mặt trận Quốc gia (RN, Pháp).
HOÀN ĐỨC
Nguồn PLO : https://plo.vn/my-duc-dau-khau-sau-khi-berlin-liet-dang-afd-vao-dien-cuc-doan-post847713.html