Mỹ - EU có đang trên bờ vực chiến tranh thương mại mới?

Mỹ - EU có đang trên bờ vực chiến tranh thương mại mới?
6 giờ trướcBài gốc
Mỹ - EU có đang trên bờ vực chiến tranh thương mại mới?
Trước đó vào đầu tháng 4, ông Trump đã áp thuế nhập khẩu 20% lên tất cả hàng hóa đến từ EU, nằm trong loạt biện pháp đánh thuế các nước có thâm hụt thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi lệnh áp thuế có hiệu lực, ông đã tạm hoãn cho đến ngày 9/7, đưa mức thuế về cơ bản 10% nhằm trấn an thị trường tài chính và tạo không gian đàm phán.
Tuy nhiên, do không hài lòng với lập trường của EU trong các cuộc đàm phán, ông Trump đe dọa sẽ nâng mức thuế lên 50% với hàng xuất khẩu từ châu Âu, có thể khiến mọi thứ từ phô mai Pháp, đồ da Ý, sản phẩm điện tử Đức cho đến dược phẩm Tây Ban Nha trở nên đắt đỏ hơn đáng kể tại thị trường Mỹ.
Ủy ban châu Âu, cơ quan phụ trách chính sách thương mại cho 27 quốc gia thành viên EU, cho biết họ hy vọng đạt được thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump. Nếu không, EU sẵn sàng trả đũa bằng việc áp thuế lên hàng trăm mặt hàng của Mỹ, từ thịt bò, phụ tùng ô tô cho đến bia và máy bay Boeing.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm Chủ nhật nói trên CNN rằng “EU rất chậm trễ trong việc tham gia đàm phán”, nhưng hiện các cuộc thương lượng “đang có tiến triển rất tích cực”.
Thương mại Mỹ - EU có quy mô khổng lồ
Ủy ban châu Âu mô tả quan hệ thương mại Mỹ - EU là “quan trọng nhất thế giới”. Theo cơ quan thống kê Eurostat, tổng kim ngạch hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên năm 2024 đạt 1.700 tỷ euro (2.000 tỷ USD), tức trung bình đạt 4,6 tỷ euro mỗi ngày.
Xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang châu Âu là dầu thô, tiếp theo là dược phẩm, máy bay, ô tô và thiết bị y tế. Ngược lại, EU chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ dược phẩm, ô tô, máy bay, hóa chất, thiết bị y tế và rượu vang, rượu mạnh.
Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích thặng dư thương mại hàng hóa của EU với Mỹ ở mức 198 tỷ euro, cho thấy người tiêu dùng Mỹ mua hàng châu Âu nhiều hơn chiều ngược lại.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Mỹ lại chiếm ưu thế ở lĩnh vực dịch vụ như điện toán đám mây, du lịch, dịch vụ pháp lý và tài chính. Thặng dư dịch vụ này giúp thu hẹp thâm hụt thương mại tổng thể Mỹ - EU xuống còn 50 tỷ euro (59 tỷ USD), chiếm chưa đến 3% tổng kim ngạch thương mại song phương.
Trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, quan hệ thương mại Mỹ - EU nhìn chung khá hợp tác với mức thuế song phương thấp. Thuế trung bình Mỹ áp lên hàng EU chỉ 1,47%, trong khi EU áp thuế trung bình 1,35% với hàng Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ tháng 2, Nhà Trắng đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn với đồng minh lâu năm này, bao gồm mức thuế 50% với thép và nhôm, cùng mức thuế 25% với ô tô và phụ tùng nhập khẩu từ châu Âu.
Mỹ cũng chỉ trích các rào cản nông nghiệp như quy định cấm thịt gà tẩy clo và bò nuôi hormone, cùng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) tại điểm bán hàng của EU (từ 17%-27%). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng VAT là trung lập trong thương mại vì áp dụng với cả hàng nội địa và nhập khẩu.
“Với các vấn đề như quy chuẩn, tiêu chuẩn tiêu dùng và thuế, EU không thể nhượng bộ nhiều”, chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding tại ngân hàng Berenberg nhận định và thêm rằng: “Họ không thể thay đổi cách vận hành thị trường nội khối EU chỉ vì đòi hỏi của Mỹ, vốn nhiều khi thiếu hiểu biết về cơ chế hoạt động của EU”.
Nguy cơ giá hàng hóa tăng vọt tại Mỹ
Các chuyên gia cảnh báo thuế cao hơn sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng tại Mỹ. Các nhà nhập khẩu sẽ phải lựa chọn giữa việc giảm biên lợi nhuận hoặc chuyển phần chi phí này cho người tiêu dùng.
Các đại lý Mercedes-Benz tại Mỹ cho biết sẽ giữ giá xe đời 2025 “cho đến khi có thông báo mới”. Dù được miễn một phần do sản xuất 35% xe bán tại Mỹ ở Alabama, hãng cho biết giá sẽ “tăng đáng kể” trong vài năm tới.
CEO Simon Hunt của Campari Group (Ý) cho biết giá một số sản phẩm có thể tăng hoặc giữ nguyên tùy thuộc động thái của đối thủ cạnh tranh.
Tổng thống Trump cho rằng việc gây khó cho hàng ngoại sẽ giúp thúc đẩy sản xuất nội địa Mỹ. Dù nhiều doanh nghiệp hoài nghi hoặc cho rằng phải mất nhiều năm mới có kết quả, một số đã sẵn sàng chuyển một phần sản xuất về Mỹ.
Tập đoàn xa xỉ LVMH (Pháp) tuyên bố có thể chuyển một phần sản xuất sang Mỹ nếu thuế cao được áp dụng. CEO Bernard Arnault cảnh báo: “Nếu châu Âu không đàm phán khôn ngoan, nhiều công ty sẽ buộc phải chọn Mỹ làm nơi sản xuất và đó là lỗi của Brussels”.
Đàm phán sẽ còn gập ghềnh
Theo ước tính của Viện nghiên cứu Bruegel (Brussels), nếu không đạt được thỏa thuận, GDP của EU sẽ giảm 0,3%, trong khi GDP Mỹ sẽ giảm 0,7% nếu Mỹ áp thuế 10%-25% với hàng nhập từ châu Âu.
Vì tính chất phức tạp của vấn đề, hai bên có thể chỉ đạt được một “thỏa thuận khung” trước hạn 9/7, giữ mức thuế cơ bản 10% cùng với thuế ô tô, thép và nhôm cho đến khi thống nhất chi tiết.
“Khả năng lớn nhất là Mỹ sẽ chấp nhận thỏa thuận với điều kiện không thực thi các đe dọa thuế quan quá mức. Nhưng con đường đạt được thỏa thuận này sẽ không dễ dàng”, chuyên gia Schmieding nhận định.
Ông nói việc Mỹ miễn trừ thuế với một số mặt hàng có thể tạo đột phá, trong khi EU có thể linh hoạt một số quy định kỹ thuật bị Mỹ coi là rào cản thương mại.
“Ông Trump có thể coi đây là một chiến thắng, nhưng nạn nhân thực sự của chủ nghĩa bảo hộ sẽ là người tiêu dùng Mỹ”, ông Schmieding nhấn mạnh.
Đại Hùng
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/my-eu-co-dang-tren-bo-vuc-chien-tranh-thuong-mai-moi-166898.html