Giám đốc Cơ quan Y tế khẩn cấp quận Peach Brian Donaldson cho biết, cơ quan này yêu cầu các phương tiện cấp cứu cố gắng hạn chế sử dụng đèn và còi báo động ít hơn 35% trong tổng số lần chạy cấp cứu vì nguy cơ tai nạn xe cứu thương tăng cao.
Theo Viện Y tế Quốc gia, trung bình, việc sử dụng đèn và còi báo động giúp nhân viên phản ứng nhanh có thể tiết kiệm từ 1,7 đến 3,6 phút để tới hiện trường hiện trường và 0,7 đến 3,8 phút khi vận chuyển bệnh nhân.
Xe cứu thương ở quận Peach chỉ được dùng còi báo động trong trường hợp khẩn cấp (Ảnh minh họa).
Cơ quan này cho rằng, khoảng thời gian tiết kiệm đó không tác động nhiều tới kết quả điều trị bệnh nhân ngoại trừ một số tình huống rất hiếm gặp.
Mặt khác, khi sử dụng còi và đèn, khả năng xảy ra tai nạn gây thương vong cao hơn vì tiếng ồn và đèn nhấp nháy có thể gây mất tập trung, làm tăng khả năng xảy ra tai nạn. Do đó, cơ quan y tế khẩn cấp của quận Peach chỉ sử dụng hai thiết bị này trong trường hợp bệnh nhân gặp trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng.
"Chúng tôi đã có ba trường hợp xe cứu thương trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các vụ tai nạn do sử dụng đèn và còi báo động", ông Donaldson nói và cho biết khi đó, thời gian cấp cứu lại càng muộn hơn.
Do vậy, để nâng cao an toàn, khi người điều phối nhận được cuộc gọi, ông cho biết đội có thể quyết định xem có cần triển khai còi báo động và đèn hay không.
Chẳng hạn trong trường hợp cấp cứu người bệnh bị ngừng tim, bị thương do súng bắn hoặc chảy máu nghiêm trọng hay trong trường hợp nhạy cảm, cần gấp gáp về thời gian như đột quỵ thì chúng tôi sẽ bật đèn và còi báo động - Giám sát viên thuộc Cơ quan quận Peach Alec Garcia cho biết.
Trang Trần