Cuộc tập trận "Balikatan" (Vai kề vai) thường niên sẽ kéo dài đến ngày 9/5, huy động một loạt vũ khí của Mỹ như hệ thống tên lửa chống hạm NMESIS và bệ phóng tên lửa HIMARS. Thông cáo báo chí cho biết, Philippines trong dịp này sẽ thử nghiệm tên lửa hiện đại của riêng họ trong các bài tập bắn đạn thật với lực lượng Mỹ.
Trung tướng James Glynn phát biểu tại cuộc họp báo về chương trình tập trận Balikatan. (Ảnh: Reuters)
Trung tướng James Glynn, chỉ huy lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận, cho biết chương trình năm nay là "cuộc thử nghiệm chiến đấu toàn diện", trong đó năng lực của cả hai lực lượng sẽ được đo lường trong nhiều tình huống.
Lực lượng hai bên sẽ tham gia các bài tập đối phó với những mối đe dọa tên lửa, ngăn chặn hành vi tấn công trên biển và đánh chìm một tàu hải quân đã ngừng hoạt động của Philippines trên biển.
"Các bài tập chiến đấu toàn diện sẽ tính đến tất cả những thách thức an ninh khu vực mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay, bắt đầu từ Biển Đông", Reuters dẫn lời Trung tướng Glynn phát biểu trong cuộc họp báo sáng nay.
Khoảng 9.000 binh lính Mỹ và 5.000 binh lính Philippines tham gia chương trình năm nay, cùng với các nhóm nhỏ của Úc, Nhật Bản, Anh, Pháp và Canada, 16 quốc gia khác đã đăng ký tham dự với tư cách quan sát viên.
Chương trình diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh trên vùng biển khu vực đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Thiếu tướng Francisco Lorenzo, chỉ huy lực lượng Philippines trong chương trình, cho biết cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng có thể đóng vai trò răn đe xung đột.
"Cuộc tập trận Balikatan có thể giúp ngăn chặn xung đột ở eo biển Đài Loan. Nhưng với mối quan tâm của chúng tôi, cuộc tập trận này chỉ nhằm răn đe mọi hành vi cưỡng ép hoặc xâm lược có thể xảy ra đối với đất nước chúng tôi", ông Lorenzo cho biết.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines liên tục leo thang trong 2 năm qua, với những cuộc đụng độ liên tục giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước trên Biển Đông.
Tú Linh
Theo Reuters