Trang CNN dẫn lời Tổng thống Trump cho biết, mục tiêu là khuyến khích các doanh nghiệp chuyển nhà máy về Mỹ để tránh thuế.
Bộ Thương mại Mỹ đã mở đợt lấy ý kiến công chúng kéo dài 21 ngày, sẽ kết thúc vào ngày 7.5 tới. Theo đó, các cuộc điều tra liên quan có thể kéo dài tối đa 270 ngày và kết quả có thể dẫn đến việc áp dụng thuế mới trong những tháng tới.
Thông báo của Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ, cuộc điều tra nhắm vào hoạt động nhập khẩu chất nền bán dẫn, chip, vi điện tử và linh kiện sản xuất chất bán dẫn (SME). Các sản phẩm phái sinh bị điều tra bao gồm sản phẩm hạ nguồn có chứa chất bán dẫn, như những sản phẩm tạo nên chuỗi cung ứng điện tử.
Ảnh: Getty Images
Cho đến nay, ngành bán dẫn toàn cầu đã đạt doanh số hơn 600 tỷ USD, đang cung cấp các con chip cần thiết cho nhiều sản phẩm từ ôtô, máy bay cho đến điện thoại và đồ điện tử tiêu dùng.
Theo Bloomberg, thuế quan đối với ngành bán dẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều công ty xuất khẩu hàng tỷ USD vi xử lý và hàng hóa liên quan sang Mỹ mỗi năm. Các nhà sản xuất chip tiên tiến của nước ngoài như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan (Trung Quốc) và SK Hynix của Hàn Quốc có thể sẽ buộc phải tăng giá hoặc chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn nếu Mỹ thực hiện áp thuế.
Ngoài ra, cuộc điều tra riêng biệt về hoạt động nhập khẩu dược phẩm sẽ nhắm vào thành phần dược phẩm và các sản phẩm phái sinh, các đầu vào quan trọng như thành phần dược phẩm hoạt tính và nguyên liệu chính ban đầu.
Hiện một số công ty dược phẩm đã gấp rút công bố các khoản đầu tư lớn vào Mỹ trước khi có khả năng bị áp thuế. Gần nhất, hãng dược Thụy Sỹ Novartis cho biết có kế hoạch rót 23 tỷ USD vào Mỹ trong 5 năm tới, sau các cam kết tương tự từ Eli Lilly, Merck & Co. và Johnson & Johnson.
Trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp đang vận động để chính phủ áp dụng thuế theo lộ trình nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực .
Như Ý