Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký các văn bản chính thức áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ tại Nhà Trắng. Ảnh Reuters/Leah Millis
Nhắc đến kim loại quý không thể không kể đến lithium, niken, coban, than chì, đồng và kể cả “đất hiếm”. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc khai thác những kim loại này. Ngành công nghiệp đã phát triển vô cùng nhanh chóng trong suốt hai mươi năm qua: nhu cầu nhảy vọt với mức tăng trưởng hai con số mỗi năm!
Những kim loại hiếm không chỉ quan trọng trong việc sản xuất pin hay các tấm pin mặt trời mà còn rất cần thiết cho các thiết bị điện thoại, công nghệ mới, hàng không vũ trụ, cũng như quốc phòng và hệ thống tên lửa, nói tóm lại là rất quan trọng đối với ngành công nghiệp và nền kinh tế Mỹ. Ông Trump còn muốn thúc đẩy và tái khởi động ngành công nghiệp này để tăng khả năng cạnh tranh cho nước Mỹ.
Nhập khẩu
Tuy nhiên, Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tự chủ nguồn cung các kim loại chiến lược, lấy ví dụ là đất hiếm. Mặc dù Mỹ đứng thứ hai về khai thác đất hiếm chỉ sau Trung Quốc nhưng họ lại không có khả năng tinh chế những kim loại này. Kết quả là họ phải xuất nguyên liệu thô sang nước khác để tinh chế, ví dụ như ở Canada, trước khi nhập ngược lại Mỹ. Đó là lý do ông Trump muốn Mỹ tự chủ về các kim loại quan trọng này.
Tìm kiếm khắp nơi
Mỹ đang ký kết thỏa thuận trực tiếp với các quốc gia giàu nguồn tài nguyên kim loại quan trọng. Ông Trump không chỉ quan tâm đến Ukraine mà còn đang nhắm tới Australia. Không phải ngẫu nhiên mà Washington tỏ ra khoan dung với Canberra về các mức thuế nhập khẩu (25% đối với thép và nhôm). Nhiều mỏ kim loại đang được khai thác và phát triển ở Australia, trong khi 80% diện tích đất nước vẫn chưa được khảo sát. Ví dụ như Greenland, một hòn đảo ở Bắc Đại Tây Dương hay Canada cũng đang là những mục tiêu mà ông Trump nhắm đến. Nói chung, Tổng thống Mỹ sẵn sàng sử dụng các biện pháp gây áp lực lên các quốc gia để đạt được mục tiêu của mình.
Châu Phi cũng thu hút sự chú ý của Mỹ vì nơi đây chứa đầy các loại khoáng sản thiết yếu cho những ngành công nghệ mới. Nhưng quan hệ giữa các nhà lãnh đạo châu Phi khá phức tạp. Chẳng hạn việc Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi các đồng nghiệp của mình từ chối mở cửa mỏ cho Mỹ. Một lựa chọn trái ngược với quyết định của Tổng thống Donald Trump khi đề nghị cấp tị nạn cho người Afrikaner.
Cuối cùng, dù gia tăng sức ép, phạm vi hành động của Tổng thống Mỹ vẫn bị thu hẹp. Nếu không thể đạt được các thỏa thuận với các quốc gia sản xuất, dù đưa ra lời đe dọa, thì chính Mỹ mới là bên chịu thiệt hại lớn nhất!
Nh.Thạch
AFP