Người dân mua bán hàng hóa tại chợ ở Mexico City, Mexico, ngày 14/1/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
Chính phủ các quốc gia trong khu vực thừa nhận rằng FDI tạo điều kiện chuyển đổi kinh tế thông qua các tác động bên ngoài mà nguồn vốn này tạo ra như chuyển giao công nghệ, hiệu ứng cấp số nhân đối với hoạt động kinh tế, chuyển giao kiến thức và tăng năng suất cho các nước tiếp nhận.
Tuy nhiên, tại khu vực Mỹ Latinh, ba vấn đề lớn liên quan đến FDI là có tình trạng lãng phí về dòng vốn, một số loại hình đầu tư nhất định không góp phần vào sự phát triển kinh tế và mức độ bất bình đẳng về tiền lương gia tăng.
Hiện nay, các nước Mỹ Latinh đang phải chịu những tác động phức tạp từ dòng vốn FDI. Hiện vẫn chưa đủ những cơ sở thuyết phục để khẳng định FDI là động lực lớn cho phát triển kinh tế. Một ví dụ rõ ràng cho điều này là tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của dòng vốn FDI từ năm 1995 đến năm 2021 là 15,27%, trong khi tăng trưởng GDP bình quân đầu người chỉ đạt mức khiêm tốn 1,14%, theo dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển năm 2024 và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2022.
Khi so sánh với Liên minh châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Đông Á và Thái Bình Dương, Mỹ Latinh là khu vực nhận được nhiều dòng vốn FDI nhất so với quy mô nền kinh tế. Theo dữ liệu từ WB, vốn FDI đổ vào khu vực Mỹ Latinh trung bình từ năm 2010 đến năm 2022 chiếm 3,65% GDP, trong khi tỷ lệ này tại các khu vực như Liên minh châu Âu và Đông Á lần lượt là 3,23% và 2,49%.
Tuy nhiên, mối lo ngại về việc thu hút thêm FDI là một tỷ lệ đáng kể trong GDP của khu vực phụ thuộc vào bên ngoài và nếu tiếp tục tăng thì phát triển kinh tế sẽ gắn liền với các yếu tố ngoài tầm với.
Về dòng vốn FDI vào Mỹ Latinh, theo các chuyên gia, cần phải tính đến các tác động khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực nhận được vốn đầu tư. Trong năm 2022, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc đã công bố số liệu cho thấy lĩnh vực chính được phân bổ đầu tư là dịch vụ, đạt mức kỷ lục 54% trong tổng số vốn, với mục đích đầu tư là đẩy mạnh thâm nhập thị trường. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất với 30% dòng vốn FDI và tăng 47% so với năm 2021, khi các công ty nước ngoài đầu tư vào các nước đang phát triển để tận dụng lao động giá rẻ và giảm chi phí. Lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên chiếm 17% tổng vốn FDI.
Vấn đề khác mà Mỹ Latinh phải đối mặt là vốn FDI vào khu vực này gây ra tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Điều này có nhiều lý do khác nhau như sự gia tăng khoảng cách tiền lương giữa người lao động có tay nghề và lao động phổ thông hoặc sự gia tăng tiền lương do các công ty nước ngoài trả so với mức lương do các công ty trong nước trả.
Một sai lầm phổ biến là cho rằng FDI sẽ mang lại những lợi ích ngay lập tức khi có sự xuất hiện của các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, FDI là điều kiện cần nhưng chưa đủ để các nước Mỹ Latinh thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Để các quốc gia có thể tận dụng những lợi ích mà FDI mang lại, sự hỗ trợ từ các chính sách phù hợp với chiến lược quốc gia của từng nước là cần thiết.
Vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc cân bằng lợi ích của các nhà đầu tư và phúc lợi chung của người dân, cũng như khả năng giảm các rào cản đối với nguồn vốn và cung cấp các ưu đãi cho các nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời thực hiện các chính sách có chọn lọc để cải thiện FDI.
Khi tiếp nhận FDI, các nước Mỹ Latinh phải đặt mục tiêu hàng đầu là phát triển đất nước nhằm đảm bảo mức sống tốt hơn cho người dân. Thách thức là phát huy lợi thế cạnh tranh của đất nước thông qua một môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đáp ứng được chương trình nghị sự phát triển của các quốc gia.
Việt Hùng (P/v TTXVN tại La Habana)