Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đăng tải thông điệp kỷ niệm Ngày Trái Đất trên nền tảng mạng xã hội X ngày 22/4/2025. Ảnh chụp màn hình tài khoản X của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ
Theo đài RTI của Đài Loan hôm 23/4, ngày 22/4 hằng năm là Ngày Trái Đất. Trên nền tảng mạng xã hội X, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đăng tải thông điệp kỷ niệm ngày này bằng cách nêu bật 10 hành vi thương mại không công bằng đang gây hại đến môi trường và làm suy yếu vị thế của các nhà sản xuất và xuất khẩu Mỹ.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nêu tên Brazil đầu tiên, cho rằng do quy định môi trường lỏng lẻo và thực thi yếu kém, nạn phá rừng tại Brazil trong năm 2021 đã đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm, mang lại lợi thế không công bằng cho Brazil trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến năm 2024, thâm hụt thương mại nông nghiệp giữa Mỹ và Brazil đã lên tới 7 tỷ USD. Brazil là đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ trong các mặt hàng như đậu nành, ngô, thịt và gia cầm.
Tiếp đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đề cập đến Trung Quốc, cho biết nước này sở hữu đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới với khoảng 564.000 tàu, chiếm 15% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu và mỗi năm nhận được khoảng 6 tỷ USD trợ cấp không công bằng cho ngành ngư nghiệp. Tàu cá viễn dương của Trung Quốc còn thường xuyên hoạt động trái phép trong vùng biển ven bờ của các quốc gia khác. Ngư dân Mỹ không thể cạnh tranh với các hành vi đánh bắt có hại như vậy, khiến thị trường toàn cầu tràn ngập sản phẩm thủy sản bất hợp pháp với giá thấp.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, thiệt hại toàn cầu do hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) ước tính lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm, trong đó ngành ngư nghiệp Mỹ gánh chịu phần thiệt hại đáng kể.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng nêu tên nước láng giềng Mexico vì không ngăn chặn hiệu quả hành vi đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ tại khu vực “Vịnh Mỹ” (trước đây gọi là Vịnh Mexico). Các hoạt động IUU này khiến giá thủy sản giảm, gây bất lợi cho ngư dân và nhà sản xuất hải sản Mỹ tuân thủ pháp luật. Đấu tranh chống lại đánh bắt IUU là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Donald Trump trong việc bảo vệ ngư dân và người tiêu dùng Mỹ.
Sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, Mỹ đã chính thức đổi tên “Vịnh Mexico” thành “Vịnh Mỹ” (Gulf of America).
Mặt khác, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chỉ ra rằng một số quốc gia có sản lượng đánh bắt và trợ cấp ngư nghiệp lớn nhất thế giới, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Thái Lan… vẫn chưa nộp văn kiện phê chuẩn Hiệp định Trợ cấp ngư nghiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngoài lĩnh vực thủy sản, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ còn đề cập đến việc một số nhà sản xuất bơ tại Mexico đã mở rộng vùng trồng vào những khu rừng bị chặt phá trái phép, đe dọa đến đa dạng sinh học và phá hủy hệ sinh thái địa phương. Mỹ là thị trường xuất khẩu bơ lớn nhất của Mexico, với tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2023 đạt 2,7 tỷ USD.
Ngoài ra, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng viết rằng, chính sách miễn thuế tạm thời của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm tôm hùm Mỹ sẽ hết hiệu lực vào tháng 7 tới, khiến các nhà xuất khẩu Mỹ gặp bất lợi khi phải cạnh tranh với Canada – nước cũng xuất khẩu loại tôm hùm tương tự nhưng được miễn thuế. Nếu miễn thuế này được gia hạn vĩnh viễn thì điều đó sẽ giúp tạo môi trường cạnh tranh công bằng hơn cho các sản phẩm tôm hùm Mỹ.
Các quốc gia bị Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ điểm tên chưa đưa ra bình luận lập tức.
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc