Mỹ-Nga nhất trí tăng tốc đàm phán, nhắm song song 2 mục tiêu

Mỹ-Nga nhất trí tăng tốc đàm phán, nhắm song song 2 mục tiêu
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 18-2, các phái đoàn từ Mỹ và Nga đã gặp nhau tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và tương lai mối quan hệ giữa Washington-Moscow.
Đàm phán Mỹ-Nga ngày 18-2 là cuộc gặp cấp cao nhất và sâu rộng nhất giữa hai nước kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát ba năm trước. Cuộc gặp tại Saudi Arabia cũng đại diện cho sự thay đổi đáng kinh ngạc trong chính sách của Mỹ đối với Nga và mở ra hy vọng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Phái đoàn Mỹ (trái) và phái đoàn Nga (phải) cùng thành viên nước trung gian Saudi Arabia cùng tham gia cuộc đàm phán Mỹ-Nga tại Cung điện Diriyah, thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) ngày 18-2. Ảnh: AFP
Lên tiếng sau cuộc đàm phán Nga-Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, song lưu ý thế giới cũng cần quan tâm các điểm nóng khác.
Nhất trí lập cơ chế đàm phán về Ukraine
Sau hơn bốn giờ đàm phán, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết hai bên sẽ thành lập các “nhóm cấp cao” để tìm cách chấm dứt xung đột ở Ukraine “càng sớm càng tốt theo cách lâu dài, bền vững và được tất cả các bên chấp nhận”.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói rằng hai bên đã nhất trí cùng nỗ lực hướng tới một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine, đồng thời tìm kiếm “những cơ hội hợp tác to lớn với Nga” cả về địa chính trị lẫn kinh tế.
“Điều quan trọng là chấm dứt chiến tranh vĩnh viễn, chứ không phải chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời” - tờ Financial Times dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz. Ông Waltz là người dẫn đầu phái đoàn Mỹ, cùng với Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff.
Theo tờ The New York Times, phát ngôn sau cuộc đàm phán, các quan chức Mỹ không nhấn mạnh các cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi tấn công Ukraine như Washington vẫn hay làm trước đây. Thay vào đó, phía Mỹ tập trung ca ngợi ông Trump vì đã nỗ lực chấm dứt giao tranh bằng cách đối thoại với Nga theo cách mà người tiền nhiệm Joe Biden không làm được.
“Suốt ba năm qua, không ai có thể tập hợp mọi thứ lại như những gì chúng ta chứng kiến hôm nay, bởi vì Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới có thể làm điều đó” - Ngoại trưởng Rubio nêu ý kiến.
Cuộc đàm phán cho thấy thay vì duy trì áp lực đối với Moscow, ông Trump lại mong muốn hợp tác với Nga để chấm dứt chiến tranh - một cách tiếp cận có khả năng đáp ứng nhiều yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Về phía Moscow, tại cuộc họp báo sau cuộc đàm phán Mỹ-Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov - trưởng phái đoàn Nga - mô tả các cuộc thảo luận là “rất hữu ích” và lưu ý rằng Nga và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc tham vấn thường xuyên về Ukraine sau khi cả hai bên chỉ định các nhóm đàm phán. “Chúng tôi không chỉ lắng nghe, mà còn thực sự thấu hiểu nhau. Tôi có lý do để tin rằng phía Mỹ đã bắt đầu hiểu rõ hơn về lập trường của chúng tôi” - ông Lavrov nói.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao kỳ cựu của Nga lưu ý rằng Moscow phản đối bất kỳ hoạt động triển khai quân đội nào của các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Ukraine như một phần của thỏa thuận ngừng bắn, theo đài RT.
Ngoài vấn đề Ukraine, Nga và Mỹ cũng nhất trí thiết lập một cơ chế tham vấn để giải quyết những vấn đề gây khó chịu trong quan hệ song phương và đặt nền tảng cho “sự hợp tác trong tương lai” giữa hai bên, theo tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết hai bên đã nhất trí “đảm bảo nhanh chóng bổ nhiệm đại sứ và dỡ bỏ những rào cản mà chính quyền Tổng thống Biden đã áp đặt đối với các phái bộ ngoại giao Nga”.
Theo ông Lavrov, những rào cản này bao gồm “việc trục xuất các nhà ngoại giao, vấn đề tịch thu tài sản của Nga và các giao dịch ngân hàng”. “Các cấp phó của chúng tôi sẽ sớm tổ chức một cuộc họp để đánh giá nhu cầu dỡ bỏ các rào cản này” - nhà ngoại giao Nga nói thêm.
Nhiều hy vọng cho các cuộc đàm phán tiếp theo
Tờ Politico dẫn lời các chuyên gia rằng thời gian tới sẽ còn nhiều cuộc đàm phán như cuộc gặp ngày 18-2, bởi vì, về cơ bản, cuộc đàm phán Mỹ-Nga vừa qua chỉ là một cuộc trao đổi về cách thức tiếp tục đàm phán.
Sau cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ Rubio đã phác thảo kế hoạch ba bước mà Mỹ và Nga dự định thực hiện tiếp theo. Thứ nhất, cả hai nước sẽ đàm phán về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với đại sứ quán của nhau tại Moscow và Washington D.C. Hiện tại, các đại sứ quán này đang hoạt động với số lượng nhân viên tối thiểu sau nhiều năm căng thẳng dẫn đến các cuộc trục xuất trả đũa lẫn nhau.
Bên cạnh đó, ngoại trưởng Mỹ nói rằng Moscow và Washington sẽ tìm kiếm các quan hệ hợp tác mới, cả trong lĩnh vực địa chính trị lẫn kinh doanh. Ông cho rằng “những cơ hội phi thường sẽ xuất hiện nếu xung đột này đi đến một kết thúc có thể chấp nhận được”.
Cuối cùng, Mỹ sẽ tham gia thảo luận với Nga về “các thông số kết thúc” cho cuộc chiến tại Ukraine. “Sẽ có sự tham vấn với Ukraine, với các đối tác của chúng tôi tại châu Âu và các bên liên quan khác. Nhưng cuối cùng, phía Nga sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong nỗ lực này” - theo ông Rubio.
Theo phát ngôn trước đó từ các quan chức Mỹ và Nga, cuộc đàm phán ngày 18-2 tại Riyadh sẽ đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Saudi Arabia.
Bình luận về hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Waltz nói rằng ngày tổ chức hội nghị vẫn chưa ấn định mặc dù cả hai bên đều có ý định hiện thực hóa kế hoạch này.
Còn theo ông Yuri Ushakov, cố vấn của Tổng thống Putin về chính sách đối ngoại - người cũng tham dự cuộc đàm phán, Moscow và Washington sẽ làm việc để tạo điều kiện cho hội nghị thượng đỉnh ông Trump và ông Putin.
Phản hồi thông tin trên hãng tin Bloomberg rằng thượng đỉnh Trump-Putin sẽ diễn ra vào tuần tới, ông Ushakov nói: “Điều đó không có khả năng xảy ra”. Vị cố vấn lưu ý rằng phái đoàn của cả hai nước cần phải làm việc tích cực trước khi có thể diễn ra cuộc gặp của tổng thống.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho công việc đó nhưng hiện tại vẫn còn quá sớm để nói về ngày cụ thể” - ông Ushakov nói thêm.
Không lâu sau đàm phán Mỹ-Nga, Điện Kremlin nói rằng Tổng thống Putin sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - mở ra triển vọng tích cực cho việc chấm dứt xung đột.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov, dù “nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc vào năm ngoái”, nhưng ông Putin sẵn sàng đàm phán với ông Zelensky nếu điều đó phục vụ cho mục tiêu đạt được hòa bình. “Ông Putin đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng đàm phán với ông Zelensky” - ông Peskov cho hay.
Ông Trump đáp trả bình luận phía Ukraine về đàm phán Mỹ-Nga
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở dinh thự Mar-a-Lago (bang Florida) ngày 18-2. Ảnh: AFP
Ngày 18-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Kiev phải chịu trách nhiệm cho xung đột Nga-Ukraine, lập luận rằng Ukraine lẽ ra nên đạt được thỏa thuận để tránh xung đột, theo đài NBC News.
“Đáng lẽ các bạn không nên để cuộc chiến này xảy ra” - ông Trump nhắn Tổng thống Zelensky của Ukraine, người đã chỉ trích chiến thuật đàm phán của chính quyền ông Trump khi gạt Kiev khỏi các cuộc đàm phán với Nga.
“Tôi nghĩ mình có khả năng chấm dứt cuộc chiến này, và tôi nghĩ mọi chuyện đang diễn ra rất tốt. Nhưng hôm nay tôi nghe rằng những lời phàn nàn về việc không được mời. Nhưng các bạn đã ở đó suốt ba năm rồi. Các bạn không bao giờ nên để chuyện này bắt đầu. Các bạn hoàn toàn có thể đạt được một thỏa thuận” - ông Trump nói với phóng viên tại dinh thự Mar-a-Lago (bang Florida).
Tổng thống Mỹ nói thêm rằng đàm phán Mỹ-Nga vừa qua là “rất tốt” và Moscow “muốn làm điều gì đó”.
Ông Trump tỏ ra cởi mở với ý tưởng thúc đẩy một cuộc bầu cử ở Ukraine. “Họ muốn có một chỗ ngồi trên bàn đàm phán. Bạn có thể nói rằng người dân Ukraine cũng cần lên tiếng chứ? Đã lâu lắm rồi họ chưa có một cuộc bầu cử” - ông Trump lập luận.
Về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu tại Ukraine, ông Trump cho biết Mỹ “hoàn toàn không phản đối.” “Nếu họ muốn làm vậy, thì quá tốt. Tôi hoàn toàn ủng hộ” - ông nói. Tuy nhiên, ông Trump cũng ám chỉ rằng Mỹ sẽ không tham gia quá trình này “vì chúng tôi ở rất xa”.
Ukraine chưa bình luận về phát ngôn của Tổng thống Trump.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/my-nga-nhat-tri-tang-toc-dam-phan-nham-song-song-2-muc-tieu-post834989.html