Cơ quan quản lý thị trường bắt một vụ buôn bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Sai phạm chồng chất, khó xử lý triệt để
Các đối tượng kinh doanh mỹ phẩm giả ngày càng hoạt động tinh vi hơn, sử dụng nhiều chiêu trò để qua mặt lực lượng chức năng. Tại Đắk Lắk, thời gian gần đây đã phát hiện hàng loạt vụ buôn bán, tàng trữ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ. Đặc biệt là vụ việc tại xã Cư Êbur, lực lượng chức năng thu giữ hơn 35.000 đơn vị mỹ phẩm do bà Đ.H.T làm chủ, tổng trọng lượng lên đến hơn 6 tấn. Chủ hàng không xuất trình được giấy phép kinh doanh, các sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ xuất xứ và chủ yếu được tiêu thụ thông qua mạng xã hội.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh này còn phát hiện hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi tại các phường Tân Lập, Tân Lợi, Ea Tam, Krông Búk, Ea Súp. Hầu hết sản phẩm đều được dán nhãn mác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... nhưng bao bì sơ sài, không rõ thành phần, không được cơ quan chức năng kiểm định.
Ông Vương Minh Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết, các đối tượng sử dụng tài khoản ảo, hình ảnh người nổi tiếng để quảng bá, vận chuyển qua đơn vị giao hàng, cất trữ trong kho nhỏ lẻ để tránh bị phát hiện. Việc kiểm nghiệm mỹ phẩm hiện rất tốn kém, có mẫu mất đến cả trăm triệu đồng nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.
Mỹ phẩm là sản phẩm sử dụng trực tiếp trên cơ thế, tác động lên làn da và sức khỏe lâu dài. Vì vậy, đừng vì ham rẻ hoặc nhẹ dạ cả tin mà đánh đổi sự an toàn của chính mình. Làm đẹp là quyền của mỗi người, nhưng làm đẹp có hiểu biết, có trách nhiệm với sức khỏe bản thân mới là lựa chọn khôn ngoan.
Tương tự, tại Bắc Giang, một cơ sở sản xuất mỹ phẩm nhái đã phân phối hàng trăm nghìn sản phẩm ra thị trường, thu lợi bất chính gần 6 tỷ đồng. Không chỉ ở tỉnh lẻ, mỹ phẩm giả cũng đang “nở rộ” ở nhiều thành phố lớn. Tại TP.HCM, lực lượng chức năng phát hiện một kho sản xuất nước hoa giả mang nhãn các thương hiệu cao cấp như Chanel, YSL, Bvlgari... trị giá hàng chục tỷ đồng.
Thời gian qua, Bộ Y tế liên tiếp ban hành quyết định thu hồi nhiều dòng sản phẩm vi phạm như kem chống nắng Hanayuki ghi sai chỉ số SPF, hay một loạt sản phẩm của Công ty TNHH TM Dược mỹ phẩm Linh Anh bị phát hiện có công thức ghi nhãn không đúng với hồ sơ công bố.
Hậu quả từ việc sử dụng mỹ phẩm giả không chỉ dừng lại ở mức thiệt hại kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Ghi nhận tại các bệnh viện da liễu cho thấy số ca nhập viện vì viêm da, dị ứng, rối loạn sắc tố... sau khi dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đang gia tăng.
Mới đây, một bệnh nhân nữ 33 tuổi nhập viện trong tình trạng đỏ da, bong tróc, giãn mao mạch sau khi sử dụng kem làm trắng không rõ nguồn gốc, được quảng cáo “bật tông sau 7 ngày”. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm chứa hàm lượng corticoid cao. Đây là một hoạt chất phải được bác sĩ kê đơn và giám sát nghiêm ngặt. Hậu quả là hàng rào bảo vệ da của bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến viêm da, kích ứng kéo dài và phải điều trị lâu dài.
Cái giá phải trả không chỉ trên làn da
Các chuyên gia y tế cảnh báo, mỹ phẩm giả không chỉ gây tổn thương bề mặt da, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn thân. Theo Ths-Bs. Phạm Thị Uyển Nhi (Bệnh viện Da liễu TP.HCM), các sản phẩm này thường chứa hóa chất độc hại như corticoid, thủy ngân, paraben, formaldehyde… Đây là những chất có khả năng gây viêm da, rối loạn nội tiết, tổn thương gan thận và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư nếu sử dụng lâu dài. Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng da mỏng đỏ, bong tróc, giãn mao mạch hoặc mụn nước lan rộng, hậu quả sau một thời gian sử dụng kem trộn, kem “dưỡng trắng” không rõ nguồn gốc được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Theo TS. Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu & Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương), niềm tin mù quáng vào những lời quảng cáo “trắng bật tông chỉ sau vài ngày” đã khiến nhiều người phải trả giá đắt. “Không có sản phẩm nào vừa rẻ, vừa hiệu quả nhanh mà lại an toàn. Đằng sau sự thay đổi tức thời là cả một quá trình phá vỡ cấu trúc da, rối loạn sắc tố, khiến việc điều trị sau đó trở nên cực kỳ khó khăn và tốn kém”, ông nói.
Tương tự, TS. Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) chỉ ra rằng, nhiều loại mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường hiện nay có thể chứa arsen (thạch tín) - một kim loại nặng nguy hiểm. Arsen không gây tổn thương ngay lập tức, mà âm thầm tích tụ trong cơ thể. Sau khoảng 10 năm sử dụng liên tục, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư da và các bệnh lý ác tính khác.
Chuyên gia này cũng chia sẻ về trường hợp một thai phụ phải nhập viện trong tình trạng mụn mủ lan rộng, chảy dịch toàn mặt sau khi dùng sản phẩm trị mụn mua qua mạng, hậu quả là làn da bị hủy hoại nặng nề, ảnh hưởng cả tâm lý lẫn sức khỏe thai kỳ.
Những dẫn chứng trên cho thấy, hậu quả của việc sử dụng mỹ phẩm giả không chỉ là những vết sẹo trên làn da, mà còn là di chứng âm ỉ trong cơ thể, có thể kéo dài suốt đời. Bởi thế, người tiêu dùng cần tỉnh táo, hiểu biết hơn trước khi quyết định đưa bất kỳ sản phẩm nào lên làn da - bộ phận vốn mỏng manh và nhạy cảm nhất của cơ thể.
“Người tiêu dùng nên thận trọng khi lựa chọn mỹ phẩm, cần ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm định chất lượng và được phân phối qua hệ thống chính hãng. Hãy cảnh giác với những lời quảng cáo “thần tốc”, “bật tông sau vài ngày”, “trị nám tận gốc” vì đó có thể là chiêu trò của những đối tượng kinh doanh trục lợi. Đồng thời, cần tránh mua mỹ phẩm trôi nổi trên mạng, tại các hội nhóm không có địa chỉ cụ thể hoặc các trang web không được xác thực”, TS. Vũ Thái Hà cảnh báo.
Dương Ngân