Khi nhu cầu lithium ngày càng tăng cao, chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm củng cố sản xuất khoáng sản trong nước.
Khu vực được cho là có trữ lượng khoáng sản khổng lồ tại Mỹ. Ảnh: Getty
Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ khai thác các nguồn tài nguyên quan trọng, bao gồm lithium - nguyên liệu thiết yếu cho ngành công nghiệp pin.
Nhưng điều đáng chú ý hơn là Mỹ có thể đang sở hữu một trong những trữ lượng lithium chưa khai thác lớn nhất thế giới. Ẩn sâu dưới lòng hồ Salton ở bang California là một phát hiện có thể làm thay đổi hoàn toàn tương lai năng lượng sạch của quốc gia này.
Mỏ "vàng trắng" trị giá hàng trăm tỷ USD
Các nhà khoa học đã xác định khu vực dưới hồ Salton chứa tới 18 triệu tấn lithium – trị giá ước tính 540 tỷ USD. Con số này vượt xa những đánh giá trước đây và có tiềm năng thúc đẩy ngành công nghiệp pin tại Mỹ, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu lithium từ nước ngoài.
Mỏ lithium này có thể cung cấp đủ nguyên liệu để sản xuất pin cho khoảng 382 triệu xe điện - nhiều hơn tổng số ô tô đang lưu thông tại Mỹ hiện nay.
Giáo sư địa hóa học Michael McKibben từ Đại học California, Riverside, đồng tác giả nghiên cứu về hồ Salton, nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của phát hiện này:
"Đây là một trong những mỏ lithium dạng nước muối lớn nhất thế giới. Nếu khai thác hiệu quả, Mỹ có thể tự chủ hoàn toàn về lithium mà không cần nhập khẩu từ Trung Quốc".
Nhận thấy tiềm năng này, Thống đốc bang California Gavin Newsom đã gọi Salton Sea là "Ả Rập Xê Út của lithium", ám chỉ khả năng Mỹ trở thành cường quốc trong lĩnh vực khai thác và cung cấp nguồn tài nguyên quan trọng này.
Bước tiến mới cho an ninh năng lượng Mỹ
Việc phát hiện trữ lượng lithium khổng lồ tại hồ Salton diễn ra trong bối cảnh thế giới ngày càng dịch chuyển sang sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo, khiến nhu cầu về lithium tăng vọt.
Hiện tại, Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn lithium nhập khẩu từ Trung Quốc, Australia và Nam Mỹ. Khả năng khai thác lithium trong nước sẽ giúp giảm rủi ro chuỗi cung ứng và củng cố an ninh năng lượng quốc gia.
Nếu tận dụng được trữ lượng này, Mỹ có thể vươn lên dẫn đầu trong chuỗi cung ứng pin, góp phần tái định hình thị trường năng lượng toàn cầu.
Thách thức trong khai thác lithium
Dù trữ lượng lớn, việc khai thác lithium từ hồ Salton không hề đơn giản và đi kèm nhiều thách thức về kỹ thuật cũng như môi trường.
Quá trình này đòi hỏi khoan sâu hàng nghìn mét để tiếp cận các tầng nước muối giàu lithium. Sau khi khai thác, nước muối sẽ được bơm ngược trở lại lòng đất. Đây là phương pháp ít gây tác động môi trường hơn so với khai thác lithium truyền thống, nhưng vẫn làm dấy lên lo ngại về việc sử dụng nước, nguy cơ địa chấn và tác động đến hệ sinh thái vốn mong manh của khu vực Salton Sea.
Việc đầu tư vào hạ tầng, hoàn thiện khung pháp lý và đảm bảo quy trình khai thác bền vững sẽ là yếu tố then chốt để hồ Salton thực sự trở thành trung tâm sản xuất lithium của Mỹ.
Phát hiện 18 triệu tấn lithium dưới lòng hồ Salton mở ra cơ hội lớn cho Mỹ trong việc phát triển năng lượng sạch và giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, chính phủ và các nhà khoa học sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức từ công nghệ khai thác, tác động môi trường cho đến yếu tố địa chính trị.
Nếu thành công, đây có thể là bước ngoặt quan trọng giúp Mỹ củng cố vị thế trong cuộc đua năng lượng xanh và tiến tới một tương lai bền vững hơn.
Dũng Phan (Theo Interesting Engineering)