Một binh sĩ Mỹ đang kiểm tra một khẩu đội tên lửa phòng thủ Patriot trong cuộc tập trận chung tại căn cứ quân sự ở Sochaczew, Ba Lan 21/3/2015. Ảnh: Reuters.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc viện trợ hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine như một phần trong gói vũ khí mới đã được Kiev hoan nghênh nồng nhiệt, giữa lúc nước này đang quay cuồng vì các đợt không kích đêm của Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần yêu cầu được cung cấp hệ thống Patriot trong những tuần gần đây, khi Moscow liên tục phóng hàng loạt máy bay không người lái và tên lửa nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi và tàn phá các thành phố và thị trấn Ukraine.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump không đưa ra nhiều chi tiết cụ thể, và vẫn còn nhiều câu hỏi lớn: Ukraine sẽ nhận được bao nhiêu khẩu đội Patriot, khi nào chúng sẽ được chuyển giao, và ai sẽ là bên cung cấp?
Dưới đây là những gì đã biết về hệ thống phòng thủ tên lửa chủ lực của Mỹ.
Công nghệ hàng đầu
Patriot – viết tắt của "Phased Array Tracking Radar for Intercept on Target" – là hệ thống phòng không chủ lực của Lục quân Mỹ.
Mới nhất, vào tháng trước, Patriot đã chứng tỏ hiệu quả khi bắn hạ 13 trong tổng số 14 tên lửa Iran nhằm vào căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ ở Qatar, theo tuyên bố của Mỹ.
Các phiên bản mới nhất của tên lửa đánh chặn Patriot có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình và máy bay không người lái ở độ cao tối đa 15 km và khoảng cách lên tới 35 km.
Các chuyên gia phân tích cho rằng một khẩu đội Patriot có thể bảo vệ một khu vực rộng từ 100 đến 200 km², tùy thuộc vào số bệ phóng, địa hình và điều kiện địa phương. Với diện tích hơn 603.000 km² của Ukraine, Kiev cần nhiều khẩu đội Patriot hơn nữa.
Một khẩu đội Patriot gồm 6–8 bệ phóng tên lửa, mỗi bệ chứa tối đa 16 quả tên lửa đánh chặn, cùng hệ thống radar mảng pha, trạm điều khiển, trạm phát điện – tất cả được đặt trên các xe tải và rơ-moóc cơ động.
Khoảng 90 binh sĩ được bố trí cho một khẩu đội Patriot, nhưng theo các báo cáo quân sự Mỹ, chỉ cần 3 người trong trung tâm điều khiển là có thể vận hành hệ thống trong tình huống chiến đấu.
Lính Mỹ đi cạnh một khẩu đội tên lửa phòng thủ Patriot trong cuộc tập trận chung tại căn cứ quân sự ở Sochaczew, Ba Lan vào ngày 21/3/2015. Ảnh: Reuters.
Cái giá không hề rẻ
Một khẩu đội Patriot có chi phí rất cao – hơn 1 tỷ USD cho đầy đủ bệ phóng, radar và tên lửa đánh chặn, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Mỗi quả tên lửa đánh chặn có giá lên tới 4 triệu USD, khiến việc sử dụng Patriot để đối phó với các UAV giá rẻ chỉ vài chục nghìn USD của Nga trở nên tốn kém, đặc biệt khi Nga liên tục phóng hàng trăm chiếc mỗi đêm.
Về việc chuyển giao lần này, các quan chức Mỹ cho biết quá trình có thể được rút ngắn nếu chuyển hệ thống từ các đồng minh NATO ở châu Âu sang Ukraine, và sau đó các hệ thống này sẽ được Mỹ thay thế bằng đơn hàng mới.
Theo Reuters, ông Trump cho biết một phần hoặc toàn bộ 17 khẩu đội Patriot mà các nước khác đã đặt mua có thể được chuyển cho Ukraine "rất nhanh chóng".
Theo báo cáo "Military Balance 2025" của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), 6 quốc gia NATO – gồm Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan, Romania và Tây Ban Nha – đang sở hữu các khẩu đội Patriot.
Không phải “thuốc tiên” chấm dứt chiến tranh
Tổng thư ký NATO Mark Rutte hôm đầu tuần này cho biết một số quốc gia – gồm Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy – có thể là những bên cung cấp thiết bị mới, nhưng ông không nêu rõ các nước này sẽ chuyển giao Patriot.
Có một lo ngại trong và ngoài quân đội Mỹ rằng kho dự trữ Patriot đang bị cạn kiệt. Tướng James Mingus, Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, cho biết tại CSIS rằng đây là "lực lượng đang bị căng thẳng nhất". Ông nói đơn vị Patriot bảo vệ căn cứ Al Udeid đã phải triển khai liên tục trong 500 ngày, một con số kỷ lục.
Ukraine tuyên bố họ cần 10 khẩu đội Patriot mới để đối phó với các đợt không kích ngày càng dữ dội từ Nga bằng tên lửa và UAV.
Kiev hiện đã nhận được 6 khẩu đội Patriot hoạt động hoàn chỉnh – 2 từ Mỹ, 2 từ Đức, 1 từ Romania và 1 do Đức và Hà Lan phối hợp cung cấp, theo tổ chức giám sát vũ khí Action on Armed Violence (Anh).
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chỉ riêng Patriot không thể kết thúc cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Tướng về hưu Wesley Clark, cựu Tư lệnh tối cao NATO, nói với CNN rằng để gói viện trợ có hiệu quả thực sự trên chiến trường, cần có nhiều hơn các hệ thống phòng không.
“Nếu muốn thực sự ngăn chặn điều này, phải đánh vào Nga và đánh sâu vào bên trong”, ông Clark nhấn mạnh. “Không thể chỉ bắn vào mũi tên, phải bắn vào người bắn nó”.
Huyền Chi