Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ nhậm chức. Ảnh: KYODO
Động thái này đưa Mỹ gia nhập cùng với Iran, Libya và Yemen trở thành những quốc gia nằm ngoài Thỏa thuận Paris 2015. Thỏa thuận hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Tổng thống Donald Trump nhiều lần gọi sự nóng lên toàn cầu là trò “lừa bịp” và ông muốn cho phép các công ty dầu khí của Mỹ khai thác tối đa sản lượng.
Bất chấp việc rút lui của Mỹ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vẫn tin tưởng rằng các thành phố, bang và doanh nghiệp Mỹ “sẽ tiếp tục thể hiện tầm nhìn và khả năng lãnh đạo bằng cách nỗ lực hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, ít carbon, tạo ra nhiều việc làm chất lượng”.
Mỹ hiện là nước sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới với sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến trong nhiều năm qua ở các bang Texas, New Mexico và nhiều nơi khác.
Ông Trump cũng đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris trong nhiệm kỳ đầu tiên, mặc dù quá trình này mất nhiều năm và chính quyền ông Biden đã đảo ngược chính sách này năm 2021.
Ông Paul Watkinson, cựu nhà đàm phán khí hậu và cố vấn chính sách cấp cao của Pháp cho biết, lần này Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris cũng có thể gây tổn hại nhiều hơn cho các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo báo cáo gần đây của Liên hợp quốc, thế giới hiện trên đà nóng lên hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ này. Các nhà khoa học cảnh báo rằng mức độ này sẽ gây ra những tác động dây chuyền như mực nước biển dâng cao, nắng nóng và bão lớn.
HUY QUỐC