Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Ả Rập Xê Út - Mỹ ở thủ đô Riyadh, ông David Sacks, người phụ trách mảng AI và tiền điện tử của Nhà Trắng, cho biết chính quyền Tổng thống Trump sẽ điều chỉnh lại cách tiếp cận trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông tiết lộ Mỹ sẽ gỡ bỏ cái gọi là “Quy tắc khuếch tán Biden”, một chính sách được thiết kế trong nhiệm kỳ trước nhằm hạn chế phổ biến công nghệ Mỹ ra toàn cầu.
Ông nhấn mạnh rằng việc chia sẻ công nghệ với những đối tác thân thiết như Ả Rập Xê Út không phải là vấn đề. “Tôi cho rằng đã có rất nhiều hiểu lầm xung quanh việc chuyển giao GPU – các chip xử lý đồ họa vốn rất quan trọng trong lĩnh vực AI”.
Tuyên bố này đánh dấu một bước chuyển đáng chú ý trong chính sách công nghệ của Mỹ, diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia Trung Đông, đặc biệt là Ả Rập Xê Út và UAE, đang đẩy mạnh đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng AI với tham vọng trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới.
Trong 4 năm cầm quyền, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã theo đuổi chiến lược siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ có thể phục vụ mục đích quân sự, đồng thời giúp Mỹ duy trì lợi thế trong cuộc đua AI toàn cầu.
Sự thay đổi trong quan điểm chính sách của Mỹ lần này đã phản ánh xu hướng mới trong chính sách công nghệ dưới thời Tổng thống Trump. Nhiều thành viên nội các trong chính quyền mới của Mỹ cho rằng Washington nên giảm thiểu các rào cản pháp lý đối với những lĩnh vực đổi mới như AI và tiền mã hóa, nếu không muốn tụt lại phía sau.
Ngay cả giới công nghệ Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo rằng các quy định quá khắt khe có thể khiến các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển, quay sang sử dụng công nghệ Trung Quốc, điều mà Mỹ hoàn toàn không mong muốn.
Theo báo cáo mới nhất từ Viện Đánh giá và Lập kế hoạch Khoa học & Công nghệ Hàn Quốc (KISTEP), Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc để trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về công nghệ chip nhớ, chỉ sau Mỹ.
Sự trỗi dậy này là kết quả của chiến lược dài hạn đẩy mạnh tự chủ công nghệ bán dẫn. Đối phó với các hạn chế từ Mỹ, Trung Quốc đã triển khai chiến lược “toàn quốc”, huy động tổng lực để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn độc lập.
Thâm Quyến, một trung tâm công nghệ lớn của nước này, mới đây đã công bố quỹ bán dẫn trị giá 5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 692,5 triệu USD) nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch. Đồng thời, thành phố này đang triển khai loạt chính sách công nghiệp có trọng điểm để hỗ trợ phát triển bán dẫn – lĩnh vực được xem là mũi nhọn trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu hiện nay.
Hạ Chi